Dinh Thượng Thơ: Giá trị không chỉ ở kiến trúc

02/05/2020
33 phút đọc
2.8K views
Dinh Thượng Thơ - Bureaux du secrétariat du gouvernement cochinchine

Ngay khi phương án phá bỏ tòa nhà xưa, vốn có tên gọi “Dinh Thượng Thơ” được công bố ở một cuộc triển lãm vào cuối tháng 4.2018, nhiều ý kiến trên báo đài đã cảnh báo khả năng đánh mất một di sản quý mặc dầu tòa nhà chưa được xếp hạng di tích. Trên internet, hơn 7.000 người trong và ngoài nước đã nhanh chóng ký thỉnh nguyện thư online yêu cầu dừng việc phá bỏ.
Bài viết dưới đây tiếp tục đóng góp các tư liệu nghiên cứu mới về giá trị nhiều mặt của Dinh Thượng Thơ.

Giá trị ngay từ tên gọi Việt hóa

Có ý kiến cho rằng từ ngữ xưa “Dinh Thượng Thơ” có hơi hướm thực dân, đế quốc vì vậy không nên gọi (và từ đó không nên duy trì tòa nhà!). Nói như thế hoàn toàn “oan”, bởi tên gọi “Dinh Thượng Thơ” chính là từ dịch thuật Việt hóa của người Sài Gòn vào cuối thế kỷ 19. Nó dùng để chỉ một cơ quan chính quyền hoàn toàn còn mới mẻ với người Việt thông qua một từ ngữ dễ hiểu, dễ nhớ. Chúng tôi tìm thấy từ ngữ Việt hóa đó còn dấu tích trên Gia Định Báo – tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ra đời năm 1865. Thêm nữa, chúng được giải thích khá tường tận trong sách giáo khoa “Dư đồ thuyết lược” (Précis de Géographie, Kiến thức chính yếu về địa lý) của Trương Vĩnh Ký, in năm 1887.

Ngày 9.11.1864, cách đây 154 năm, Thống đốc Nam kỳ De La Grandière ký sắc lệnh thành lập cơ quan Direction de L’Intérieur. Đứng đầu cơ quan này là một Directeur, người đầu tiên giữ chức Directeur là ông Paulin Vial. Còn tòa nhà nơi đặt cơ quan được gọi là Hôtel de L’Intérieur. Ngày nay, chúng ta có thể dịch nhanh Direction de L’Intérieur là Bộ Nội vụ (cấp quốc gia) hay Nha Nội vụ (cấp khu vực) hoặc Sở Nội vụ (cấp tỉnh thành). Còn Directeur là giám đốc, và Hôtel de L’Intérieur là Dinh Nội vụ. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19, khi người Pháp thiết lập ở nước ta một cơ cấu kinh tế – chính trị hoàn toàn mới mẻ và xa lạ thì việc hiểu nghĩa và dịch thuật tên các cơ quan và chức vụ chính quyền mới, hoàn toàn không phải là chuyện dễ dàng.

Bản đồ Thành Gia Định 1935
Bản đồ Thành Gia Định đối chiếu với các đường phố ở trung tâm Sài Gòn được thiết kế sau 1864. Góc La Grandière – Catinat trong ô vuông xanh chính là địa điểm xây dựng Dinh Thượng Thơ và Dinh Xã Tây. Địa điểm này nằm trong khuôn viên pháo đài của cổng thành phía Nam (nguồn: Tạp chí Hội nghiên cứu Đông Dương – Sài Gòn 1935)

Trong bối cảnh đó, người Sài Gòn – có thể là Trương Vĩnh Ký, giáo sư trường Thông ngôn và Hậu bổ, đã dịch tên Direction de L’IntérieurHôtel de L’Intérieur là “Dinh Lại bộ Thượng Thơ”, gọi tắt là “Dinh Thượng Thơ”. Còn chức vụ Directeur người đứng đầu cơ quan này được dịch là “Quan Thượng Thơ”. Theo chúng tôi, cách dịch nêu trên vận dụng các tên gọi Việt Nam sẳn có, mang ý nghĩa gần giống để biểu đạt nội dung mới. Thật vậy, chữ “Dinh” trong tiếng Việt thế kỷ 19, thường dùng để chỉ cơ quan chính quyền, đồng thời cũng mang nghĩa là là trụ sở của cơ quan đó. Còn chữ “Lại bộ” hay Bộ Lại – từ Việt xưa có từ thời Lý Trần, để chỉ cơ quan trông coi về việc bổ nhiệm quan lại giúp Vua. Bộ Lại là một trong sáu bộ (lục bộ) của chính phủ trong thời phong kiến, bao gồm: Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình, Bộ Công, Bộ Lại và Bộ Lễ. Từ đời nhà Lý cho đến nhà Nguyễn, chức vụ đứng đầu các Bộ đều được gọi là Thượng Thư (phát âm miền Nam là Thượng Thơ). Sau Cách mạng tháng Tám, trong tiếng Việt hiện đại mới xuất hiện chữ Bộ trưởng – thay cho Thượng Thơ.

Hai mươi ba năm sau, khi Liên bang Đông Dương được Pháp thành lập vào tháng 10 năm 1887, chính quyền Pháp vẫn duy trì cơ quan Direction de L’Intérieur với chức năng tương tự nhưng chức vụ Directeur được thay thế bằng chức vụ Secrétariat Général (Tổng thư ký – chức vụ thấp hơn Directeur). Theo sách Quan chế của Huỳnh Tịnh Của – in năm 1888, cơ quan Direction de L’Intérieur được dịch chính thức là “Thống Lý Nha Sở Nội bộ”, còn Secrétariat Général được dịch chính thức là Tá Lý hay Hiệp Lý.

Nếu so từ ngữ “Thống Lý Nha Sở Nội bộ” với “Dinh Lại Bộ Thượng Thơ”, hay Dinh Thượng Thơ thì từ “Thống Lý Nha Sở Nội bộ” chuyên chở được đầy đủ chức năng kiêm quản nhiều sở ngành của Direction de L’Intérieur. Tuy nhiên, nó lại là từ ngữ hoàn toàn bằngchữ Hán – Việt nên khó hiểu, khó nhớ. Cũng tương tự như thế, các từ Tá Lý hay Hiệp Lý đều dịch nghĩa chính xác người đứng đầu cơ quan Direction de L’Intérieur, song vẫn là từ ngữ Hán – Việt. Không dễ dàng sử dụng như từ Thượng Thơ. Cần lưu ý vào cuối thế kỷ 19, trên đất Nam Kỳ các trường lớp Nho học không nhiều như ở miền Trung và miền Bắc, mặt khác chữ quốc ngữ còn phôi thai. Có lẽ chính vì thế, người dân Sài Gòn và Nam Kỳ quen dùng tên gọi Dinh Thượng Thơ hơn Dinh Thống Lý Nha Sở Nội bộ và còn lưu truyền đến ngày nay.

Dinh Thượng Thơ - Bureaux du secrétariat du gouvernement cochinchine

Có thể nêu một thí dụ tương đồng trong trường hợp này. Đó là từ Dinh Xã Tây (dịch thuật từ Hôtel de Ville), được người Sài Gòn và Nam Kỳ dùng phổ biến để chỉ cơ quan chính quyền thành phố và trụ sở của nó, thay vì “Dinh Đốc lý” hay “Tòa Thị chính (quen dùng ở miền Bắc, miền Trung ). Sau năm 1954 mới có từ “Tòa Đô sảnh” thay thế.

Xét về mặt ngôn ngữ học và sử học, việc gọi tên một địa danh hay một kiến trúc theo tên gọi ban đầu phổ biến của nó là chuyện bình thường và nên làm. Để gọi tên tòa nhà 59 – 61 Lý Tự Trọng, một kiến trúc may mắn tồn tại xuyên ba thế kỷ, chỉ thay đổi chức năng từ sau năm 1945 trở đi, không thể không dùng tên gọi lịch sử vốn có là Dinh Thượng Thơ.

Tên gọi Dinh Thượng Thơ chính là dấu tích ngôn ngữ của thời kỳ giao thời giữa cận đại và hiện đại trong lịch sử Sài Gòn và Việt Nam. Đặc biệt, nó là một thí dụ tiêu biểu về việc phát triển chữ quốc ngữ trở thành ngôn ngữ hành chính và ngôn ngữ toàn xã hội. Vả lại, đâycòn là một thí dụ tiêu biểu trong việc dịch thuật các từ ngữ hành chính sao cho dể hiểu, dễ nhớ trong điều kiện dân trí cụ thể. Điều ấy xứng đáng là một kinh nghiệm quý báu cho công cuộc cải cách hành chính hiện tại.

Dấu tích thời kỳ người Việt thành lập Sài Gòn từ thế kỷ 17

Qua nghiên cứu các bản đồ cổ và sách sử, chúng tôi thấy nền đất Dinh Thượng Thơ là một trong những dấu tích quan trọng của Thành Gia Định và là dấu tích tiêu biểu của thời kỳ người Việt bắt đầu khai phá, thành lập Sài Gòn.

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn, vào mùa Xuân năm 1790, chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) cho xây Thành Gia Định tại vùng đất cao thuộc địa phận làng Tân Khai – một trong 40 ngôi làng đầu tiên của người Việt trên đất Sài Gòn. Vùng đất cao này khi người Pháp vào gọi là Plateau de la Citadelle – Đồi Thành lũy. Đó chính là khu đất trải rộng từ rạch Thị Nghè xuống đến đường Đồng Khởi ngày nay. Đỉnh đồi là khu vực Đài Truyền hình hiện giờ, chân đồi là khu vực Công viên Chi Lăng, bao gồm Dinh Thượng Thơ. Người Pháp gọi khu vực chân đồi tại đây là Dốc Catinat (Catinat là tên một trong những chiến thuyền tham gia đánh thành Gia Định).

Khu trung tâm hành chính Sài Gòn và Nam Kỳ
Khu trung tâm hành chính Sài Gòn và Nam Kỳ trên bản vẽ minh họa quy hoạch Sài Gòn 1900 (đang lưu giữ tại trụ sở UBND TP.HCM). Các cơ quan và kiến trúc tiêu biểu đều trong khoảng cách 5 – 15 phút đi bộ. Dinh Thượng Thơ là hai tòa nhà đánh số 1 và 2

Thành Gia Định là một tòa thành lớn, rộng khoảng 100 ha, xây dựng theo kiểu Việt Nam kết hợp với châu Âu (Vauban). Sách Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết thành còn có tên gọi là thành Bát Quái (dân gian gọi là Thành Quy), hình dáng đường viền như hoa sen, có 8 cửa. Trong đó, hai cửa phía Nam mang tên Càn Nguyên và Ly Minh. Theo bản đồ phác họa Thành Bát Quái do người Pháp vẻ lại và chú giải bởi Trương Vĩnh Ký, cổng Càn Nguyên chính là ngả tư Đồng Khởi – Lý Tự Trọng hiện tại. Còn cổng Ly Minh là ngả ba Lê Thánh Tôn – Thái Văn Lung (tên xưa là Đồn Đất – nay là bệnh viện Nhi đồng 2). Con đường vốn có chạy dọc theo đường hào bên trong tường thành phía Nam cũ,được người Pháp sửa sang, chuyển thành đường phố – năm 1865 mang tên Gouverneur (vì có Dinh Soái phủ Sài Gòn đóng ở khu đất trường Trần Đại Nghĩa hiện tại). Đường này từ năm 1870, mang tên De La Grandière (đườngLý Tự Trọng ngày nay).

Vào tháng Giêng năm 1926, khi xây dựng nhà ở góc đường Catinat (Đồng Khởi) và De La Grandière (có thể là nền đất cao ốc 26 Lý Tự Trọng hiện giờ), người Pháp đã phát hiện một đoạn tường thành Bát Quái xây bằng đá ong Biên Hòa rất kiên cố.

Căn cứ vào các sử liệu nêu trên, có thể nói ô đất giáp ranh đường Đồng Khởi – Lý tự Trọng – Lê Thánh Tôn ngày nay chính là đất của pháo đài ở cổng thành phía Nam, mang tên Càn Nguyên của Thành Gia Định. Trên ô đất này, ngay từ những năm 1860, người Pháp đã quy hoạch làm đất xây dựng Dinh Thượng Thơ (bao gồm nhà làm việc ở mặt đường Lý Tự Trọng và văn phòng của giám đốc trên nền cao ốc 213 Đồng Khởi sau này) và sau đó là Dinh Xã Tây (trụ sở UBND TP.HCM). Nền đất của cả hai công trình kiến trúc quan trọng này ẩn chứa di tích không chỉ của Thành Gia Định mà còn của làng Tân Khai – chiếc nôi của người Việt trên đất Sài Gòn. Năm 2007, tại Hà Nội, di tích Hoàng Thành Thăng Long đã phát lộ trên nền đất xây dựng Nhà Quốc Hội. Nay mai, nếu có một cuộc thám sát khảo cổ tượng tự trên nền đất trong khuôn viên của hai tòa nhà thì có nhiều khả năng di tích Hoàng Thành Gia Định thế kỷ 18 và dấu tích người Việt khai phá Sài Gòn ở thế kỷ 17 sẽ phát lộ!

Dinh Thượng Thơ - Bureaux du secrétariat du gouvernement cochinchine

Dấu tích mở đầu lịch sử hành chính đô thị và hành chính quốc gia hiện đại

Từ 1861 – 1879, thực dân Pháp thiết lập chính quyền quân quản ở Sài Gòn và sau đó là trên toàn Nam Kỳ, người Việt gọi là “Soái phủ”. Đứng đầu Soái phủ là đô đốc thống đốc (Amiraux Gouverneur, người Việt lúc ấy dịch là Quan Khâm Mạng), một tướng hải quân chỉ huy về cả quân sự và hành chính. Trong gần 4 năm đầu tiên (1861 – 1864), chính quyền quân quản chưa có bộ máy riêng về hành chính dân sự. Đến ngày 9.11.1864, Thống đốc Nam Kỳ De La Grandière ra quyết định thành lập Direction de l’ Interieur (Bộ Nội vụ), viết tắt là DI – hai chữ này còn nguyên trên cửa sắt ở cổng 61 Lý Tự Trọng hiện tại. Cơ quan DI là tổ chức đầu tiên chuyên về hành chính dân sự, có nhiệm vụ quản trị Sài Gòn và các vùng mới chiếm đóng – tách biệt khỏi các hoạt động quân sự. Cơ quan DI bao gồm Secrétariat General (có thể dịch là ban tổng thư ký hay chánh văn phòng) và nhiều Bureax (có thể dịch là sở hay ban hoặc phòng).

Theo sách La Cochinchine en 1878 giới thiệu Nam Kỳ nhân Triển lảm Thế giới ở Paris 1878, DI có một ban tổng thư ký và bốn Bureau (phòng, ban). Theo sách Quan chế của Huỳnh Tịnh Của vào năm 1888, DI vẫn giữ nguyên bộ máy như trên nhưng có thêm Bureau thứ 5 Bureau. Căn cứ vào nội dung công việc của các Bureau thì DI không chỉ phụ trách về bổ nhiệm quan chức các địa phương mà còn kiêm quản một loạt các lĩnh vực dân sự rộng khắp khác. Đó là quản trị ngân sách, tài chính, xây dựng, giao thông, bưu điện, canh nông, thương mại, kỹ nghệ, giáo dục, tôn giáo, cảnh sát và mật vụ và kể cả xử án. Gia Định Báo trực thuộc Bureau thứ ba – bộ phận quản lý các việc liên quan kinh doanh, giáo dục, y tế, hộ tịch, họa đồ, nhà in v.v..

Có thể hình dung công việc của DI là công việc của một chính phủ thực thụ bao gồm nhiều bộ chuyên ngành, hay một cơ quan liên bộ quản trị mọi mặt Nam Kỳ (trừ quân sự). Như vậy, DI là cơ quan ra đời để quản trị hành chính một vùng lảnh thổ rất lớn với Sài Gòn là thủ phủ. Do vậy, tuy chức vụ của người đứng đầu DI chỉ gọi là Directeur (giám đốc) nhưng quyền hạn rất lớn, hầu như chỉ sau thống đốc. Đến năm 1887, chức vụ Directeur của DI được bãi bỏ nhưng cơ quan DI vẫn được duy trì trực thuộc thẳng thống đốc Nam Kỳ. Đây cũng là thời điểm hoàn thành tòa nhà hình chữ U như kiến trúc còn tồn tại đến bây giờ.

Ngày 13.12.1880, Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers ra nghị định thành lập khu Sài Gòn – Chợ Lớn bao gồm hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, đặt dưới quyền của DI. Tuy nhiên đến năm 1888, toàn quyền Đông Dương lại cho hai thành phố tách ra. Như vậy, từ 1864 đến 1888, ngoài việc điều hành toàn Nam Kỳ, DI còn là cơ quan hành chính điều hành trực tiếp Sài Gòn – Chợ Lớn trong 24 năm. Nói cách khác, DI là “tòa thị chính”, ủy ban hành chính đầu tiên của đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn!

Trong hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 19, Thống đốc Nam Kỳ lần lượt thành lập và tách các Sở chuyên môn về tài chính, công chính, học chính, thương chính… ra khỏi cơ quan DI. Dần dần, DI chuyển hóa một sở chuyên môn chuyên về nhân sự và công tác văn phòng đặt dưới quyền Nha Tổng thư ký của Thống đốc Nam Kỳ.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước khi Pháp xâm lược trở lại, Ủy ban hành chính Nam bộ và một số cơ quan trực thuộc đã đóng trụ sở ở Dinh Thống đốc Nam Kỳ (Bảo tàng TP.HCM hiện tại). Nhưng sau khi quân đội Anh vào đóng tại Dinh Thống đốc, các cơ quan này chuyển qua Dinh Xã Tây và Dinh Thượng Thơ.

Từ 1945 – 1955, tòa nhà Dinh Thượng Thơ, có lúc là Dinh Thủ hiến Nam Việt, và rồi Tòa đại biểu chính phủ tại Nam Việt của Quốc gia Việt Nam – Bảo Đại. Từ tháng 10.1955 – 4/1975, Dinh Thượng Thơ chuyển thành trụ sở của Bộ Kinh tế. Nơi đây cũng là trụ sở tuần báo Chấn Hưng Kinh Tế trực thuộc Bộ Kinh tế. Sau tháng 4.1975 đến nay, tòa nhà không còn là trụ sở của các cơ quan trung ương mà chuyển về cho UBND TP.HCM, lần lượt làm trụ sở của nhiều cơ quan quản lý kinh tế.

Đến nay, xuyên qua ba thế kỷ, tòa nhà Dinh Thượng Thơ chỉ thực hiện chức năng là công thự hành chính ở cấp trung ương cũng như địa phương. Có lẽ hiện giờ, ngoài trụ sở UBND TP.HCM và Tòa án TP.HCM, trên địa bàn thành phố, rất hiếm có một công thự nào không những kiến trúc còn nguyên vẹn như thuở ban đầu mà chức năng sử dụng cũng không thay đổi như tòa nhà Dinh Thượng Thơ. Bản thân tòa nhà rất xứng đáng được coi là di tích lịch sử, là cột mốc vàng – mở đầu lịch sử quản trị hành chính đô thị cũng như quản trị hành chính quốc gia của Việt Nam trong thời kỳ hiện đại!

Di sản kiến trúc công thự đẹp và hiệu quả

Khi mới ra đời, 1864, cũng như nhiều cơ quan chính quyền lúc ấy trụ sở của DI chỉ là một số ngôi nhà nhỏ tạm thời. Tuy nhiên khu đất đặt trụ sở của DI đã nằm trong quy hoạch từ rất sớm. Theo các tài liệu hiện có, tòa nhà Dinh Thượng Thơ hình chữ U như kiến trúc đang hiện hữu, được xây dựng trong khoảng 1875 -1881. Trên bản đồ Sài Gòn 1882, hiện lưu tại Thư viện Quốc gia Pháp, chúng tôi thấy đã có hình vẻ tòa nhà hình chữ U này. Như vậy, có thể coi thời điểm 1881 hoặc 1882 là năm hoàn thành tòa nhà.

Dinh Thượng Thơ - Bureaux du secrétariat du gouvernement cochinchine

Dinh Thượng Thơ do kiến trúc sư Marie-Afred Foulhoux (1840 – 1892) thiết kế. Ông cũng là tác giả thiết kế các công thự đồ sộ chung quanh tòa nhà này, như tòa Pháp Đình (1885), Dinh Thống đốc Nam Kỳ 1890), Bưu điện (1891). Hơn thế nữa ông còn là Giám đốc Sở Công chánh Nam Kỳ, sau đó được bổ nhiệm làm Kiến trúc sư trưởng của thành phố.

Do vậy, tòa nhà Dinh Thượng Thơ và các công trình kể trên của Foulhoux, mang phong cách dinh thự Pháp thế kỷ 19 nhưng vẫn có đường nét sáng tạo, kết hợp với thực tế xứ nhiệt đới. Thiết kế cổng vào tòa nhà chính, các cột trang trí tầng lầu, cổng ngoài sân và cửa đúc bằng gang, hàng rào sắt đều thể hiện tính sang trọng, quý phái. Tuy nhiên, tòa nhà có sân rộng, nhiều vòm cửa và cửa sổ lớn, tường rào không xây kín, tạo ra cảm giác thân thiện.

Trên sân tòa nhà, hiện có một cây hoa bồ cạp vàng, ở cuối tòa nhà phía giáp đường Đồng Khởi có một cây đa lâu năm. Cả hai cây này đều làm tăng vẻ đẹp cho tòa nhà. Được biết dưới tòa nhà có tầng hầm chưa được khảo sát đầy đủ. Nếu có được bản vẻ gốc kiến trúc của tòa nhà và một cuộc khảo sát toàn diện, hẳn chúng ta còn tìm được nhiều điều thú vị khác ở kiến trúc Dinh Thượng Thơ.

Mặt khác, khi đối chiếu kiến trúc tòa nhà và lịch sử hành chính cũng như cách thức tổ chức cơ quan hành chính của người Pháp trên đất Sài Gòn và Nam Kỳ, chúng ta có thể nhận thấy Dinh Thượng Thơ là một thí dụ tiêu biểu cho việc sử dụng công thự một cách hiệu quả và tiết kiệm. Thật vậy, ngay từ đầu, Dinh Thượng Thơ là một cơ quan hành chính đa năng, kiêm quản nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau, đặt cạnh nhau để hỗ trợ cho nhau và tạo ra sự thuận tiện cho người dân tiếp xúc. Theo Gia Định Báo (tòa soạn đặt trong Dinh Thượng Thơ từ 1865 – 1885), ngoài việc liên hệ các Bureaux, nơi đây còn là nơi hội họp Hội đồng tư vấn Nam Kỳ (một dạng hội đồng nhân dân cấp miền), bán đấu giá tài sản công và kể cả là nơi đến đặt mua báo và giao dịch quảng cáo!

Trong thực tế, quy mô tòa nhà Dinh Thượng Thơ chỉ ở mức vừa phải để phục vụ một dân số vừa phải (dưới 300.000 dân). Khi các tỉnh thành phát triển, dân số gia tăng, nhu cầu quản trị gia tăng thì Dinh Thượng Thơ không kiêm quản nữa. Các sở chuyên môn được dời đi theo quy hoạch đã định trước. Và do vậy, chính quyền đã không cần phải mở rộng hay xây mới tòa nhà Dinh Thượng Thơ, qua đó không làm lảng phí ngân sách, đồng thời không làm hỏng đi thiết kế hoàn hảo của chính tòa nhà và quy hoạch tổng thể cả khu vực!

Di sản quy hoạch trung tâm và cảnh quan hoàn hảo

Theo các bản vẻ thiết kế đô thị và bản đồ minh họa quy hoạch 1860, 1880 và 1900 mà chúng tôi được tham khảo tại Thư viện quốc gia Pháp, nơi xây dựng tòa nhà làm trụ sở cho Dinh Thượng Thơ, nằm trong tổng thể thiết kế quy hoạch khu trung tâm chính quyền Nam Kỳ và Sài Gòn.

Khu trung tâm này là ô chữ nhật, bao gồm các đường phố ngày nay là Nguyễn Đình Chiểu (Bắc), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Tây), Lê Thánh Tôn (Nam) và Nguyễn Bĩnh Khiêm (Đông). Trong đó, đại lộ Gouvernement – Chính phủ (về sau, đổi là Norodom, nay là Lê Duẩn) và đường Impériale – Đế chế (về sau đổi là Nationale, nay là Hai Bà Trưng) là hai con đường trung tâm giao nhau thẳng góc, giống như kiểu thiết kế đô thị phổ biến ở Pháp vào thế kỷ 18. Thực tế khu này chính là nền đất của Thành Quy và Thành Phụng của nhà Nguyễn, hay nói cách khác người Pháp đã kế thừa và tận dụng ngay quy hoạch của Việt Nam sẳn có.

Dinh Thượng Thơ - Bureaux du secrétariat du gouvernement cochinchine

Trong khu này, góc Đông Bắc, chủ yếu dành cho các cơ quan quân sự vì giáp giới với rạch Thị Nghè (thông ra sông Sài Gòn) và thủy xưởng Ba Son. Đối xứng với nó là góc Tây Nam – nơi đặt các cơ quan chỉ huy đầu nảo và các sở chuyên môn hành chính. Các cơ quan đó được bố trí kế cận nhau, bao gồm lần lượt như sau:

  • Soái Phủ (khu Taberd, nay là trường Trần Đại Nghĩa, ba mặt đường).
  • Sở Học chánh (ba mặt đường, nay là Vincom Center, Sở Giáo dục và các biệt thự kế cận), nằm bên cạnh công viên Pages (công viên Chi Lăng).
  • Sở Đo đạc (góc Đồng Khởi – Lý Tự Trọng, đối diện Dinh Thượng Thơ).
  • Bộ/ Sở Nội vụ (Dinh Thượng Thơ, 59 – 61 Lý Tự Trọng).
  • Sở Công Chánh (63 Lý Tự Trọng, nay là trụ sở Sở Giao thông – Vận Tải và Sở Tài nguyên – Môi trường).
  • Sở Hiến binh (38 Lý Tự Trọng, nay là doanh trại quân đội).
  • Dinh Thống đốc Nam Kỳ (lúc đầu là Bảo tàng Nông nghiệp, nay là Bảo tàng TP.HCM).
  • Pháp đình (Tòa án TP.HCM).
  • Khám lớn (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp).
  • Dinh Chính phủ (về sau thành Dinh Toàn quyền Đông Dương, còn gọi là Dinh Norodom, nay là Dinh Thống Nhất).
  • Nhà thờ Nhà nước (Nhà thờ Đức Bà ngày nay).
  • Sở Bưu Điện (Bưu điện trung tâm ngày nay).
  • Sở Tài chính và Sở Thu thuế (hai tòa nhà đối diện nhau, nay là Sở Văn hóa – Thể thao và cao ốc Metrolitan, cao ốc Bảo Việt).

Đặc biệt, bản đồ minh họa quy hoạch 1880 cho thấy có một vườn cây phía sau Dinh Thượng Thơ, đó chính là đất để dành làm Tòa Thị chính thành phố (Dinh Xã Tây được xây dựng từ 1898 đến 1909).

Thêm nữa, Dinh Thượng Thơ không chỉ là một kiến trúc đẹp gắn với quy hoạch trung tâm chính quyền hoàn hảo mà còn góp phần làm nên cảnh quan đẹp của góc đường Đồng Khởi – Lý Tự Trọng. Điều này biểu hiện ở các điểm như sau:

  • Tòa nhà thấp tầng, hài hòa với công viên Chi Lăng (trước 1955 là công viên Pages) làm thành một không gian thoáng rộng, dấu mốc kết thúc con dốc Catinat.
  • Hàng rào bằng tường gạch, hài hòa hợp cùng cây xanh dọc đường Catinat (sau 1955 là Tự Do, nay là Đồng Khởi).
  • Là một phần không thể thiếu của đường Lý Tự Trọng (tên nguyên thủy là đường Thống Đốc), khởi đầu khi xưa từ ngả tư Nguyễn Trung Trực đến bệnh viện Nhi Đồng 2 (bệnh viện Grall thời Pháp) có hai hàng cây cao cân đối, nhà cửa ven đường có chiều cao bị khống chế thấp hơn hai hàng cây. Đó là con đường tiêu biểu cho cách thiết kế quy hoạch một thành phố – vườn (Garden City) hay thành phố trong vườn (City in Gardens), theo cách nói hiện đại, đã áp dụng cho Sài Gòn từ hơn 150 năm trước.
  • Hiện tại, đường Lý Tự Trọng từ ngả tư Đồng Khởi đổ lên Thái Văn Lung đã xây dựng nhiều tòa cao ốc hiện đại, vượt quá các hàng cây xưa. Chỉ còn đoạn đường trải dài từ Thư viện Khoa học tổng hợp (Khám lớn Sài Gòn xưa) và mặt hông Pháp đình Tòa án, kéo đến Dinh Thượng Thơ là đoạn đường giữ được nét đẹp xưa, hài hòa cây xanh với kiến trúc. Quả thật, đoạn đường này cùng với Dinh Thượng Thơ, Dinh Thống đốc, Tòa án, đang trở thành “hàng quý hiếm” độc đáo khi mà ở thời điểm thế kỷ 21, trung tâm thành phố đã không thoát khỏi cơn lốc biến đổi trở thành rừng nhà cao tầng.

Giữ lại tòa nhà Dinh Thượng Thơ và cảnh quan xung quanh nó không chỉ vì lưu giữ các giá trị lịch sử – văn hóa mà còn lưu giữ giá trị cảnh quan – môi trường vô giá của một đô thị kết hợp văn minh Âu – Á, đã từng được coi là Hòn ngọc Viễn Đông!

Tác giã : Phúc Tiến (đăng trên trang báo mạng Người Đô Thị)


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop