Nhạc Sĩ Cung Tiến – Nghệ thuật nhạc phổ thơ

18/04/2023
26 phút đọc
710 views
Nhạc Sĩ Cung Tiến

Di sản nghệ thuật của nhạc sĩ Cung Tiến không nằm ở số lượng, mà đầy ở phẩm chất. Ngoài những ca khúc, tấu khúc, thuần tuý giá trị về âm nhạc, ông còn để lại những bài viết, tiểu luận dưới nhiều đề tài văn học, kinh tế, và truyện dịch. Chúng ta đã đọc, đã nghe khá nhiều về tài hoa và khả năng sáng tác của Cung Tiến từ tuổi 15 cho đến những năm tháng sau cùng.

Trong những quà tặng ông để lại, tôi đặc biệt yêu thích nghệ thuật phổ thơ thành nhạc của ông, chẳng những cho chúng ta thưởng thức giai điệu bán cổ điển tây phương, ngũ âm đông phương, mà còn mang thơ Thanh Tâm Tuyền, một trong vài thi sĩ hàng đầu trong thời đại của ông đến giới thưởng ngoạn nhạc nghệ thuật và lưu trữ vào kho tàng âm nhạc Việt. Thơ Thanh tâm Tuyền không dễ phổ thành nhạc.

Như vậy, nghĩa là có những loại thơ dễ phổ thành nhạc? Còn thơ Thanh Tâm Tuyền thì khó?

Đúng. Đối với thơ Việt và sự thưởng ngoạn phổ thông của người Việt, đa số yêu thích lãng mạn, trữ tình, êm ả, dễ hiểu, và quen thuộc. Cung Tiến không phổ thơ thành nhạc trong thể loại này.

Những loại thơ dễ phổ thành nhạc, là những loại thơ đã có sẵn âm sắc trầm bổng trong lời thơ, có sẵn tiết tấu quen thuộc trong cú pháp câu thơ, có sẵn ý tứ tình tự dễ cảm trong nội dung bài thơ. Lý do thơ của Du Tử Lê được phổ thành nhạc khá nhiều, khoảng 300 bài, là vì vậy. Thơ Tô Thùy Yên hay, nhưng chỉ có đôi ba bài nhạc phổ thơ, vì sao? Thơ Thanh Tâm Tuyền hay, giá trị cao, vì sao có ít nhạc sĩ phổ nhạc thơ của ông?

Sự khác biệt nằm ở chất bình dân và chất nghệ thuật trong bài thơ; ý nhạc phải động não hoặc ý nhạc dễ hiểu; thể hiện tính dễ dãi và tính sáng tạo trong bài nhạc; chứng tỏ trình độ sáng tác của mỗi nhạc sĩ.

Thơ dễ phổ nhạc, người biết nhạc hoặc biết hát, hoặc dễ dãi khi sáng tác, có thể dò chữ trong câu thơ rồi hát theo dấu: dấu hỏi, dấu sắc, hát lên cao; dấu huyền, dấu nặng, hát xuống thấp; dấu ngã hát cao hay thấp tùy vào vị trí trong dòng nhạc. Ký âm theo tiết tấu có sẵn của câu thơ lục bát, năm chữ, bảy chữ, tám chữ. viết theo từng đoạn thơ. Cứ dễ dàng như vậy sẽ có ngay một bài nhạc phổ thơ. Đây cũng là phương pháp làm nhạc phổ biến của một số người viết nhạc. Hầu hết các bản nhạc này viết theo cách hành âm thuộc lòng, những câu nhạc đại chúng đã nhập vào tâm khảm. Nghe câu trước, đoán được câu sau. Nghe câu dẫn biết câu kết. Bài nhạc có mặt góp vui, không có giá trị gì cho dòng nhạc Việt. Thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Cung Tiến không nằm trong thể loại này.

Cung cách sáng tác thơ-nhạc của Cung Tiến không chọn lựa sự dễ dãi, quen thuộc, phổ thông, mà chọn nghệ thuật hòa hợp không chỉ giữa thơ và nhạc, mà sâu sắc hơn, sự đồng cảm giữa hai tác giả.

Tiêu biểu: “Lệ Đá Xanh”, thơ Thanh Tâm Tuyền, với giai điệu bán cổ điển; “Hoàng Hạc Lâu”, thơ Thôi Hiệu với chất giọng ngũ âm, và “Đêm”, thơ Thanh Tâm Tuyền, một tác phẩm nghệ thuật thơ-nhạc bày tỏ âm điệu khác thường, kích động lòng nghe để cảm nhận những gì xảy ra trong những đêm đã quên chiến tranh. Mắt của người đen hay mắt của đêm đen?

LỆ ĐÁ XANH

Bài thơ của Thanh Tâm Tuyền:

tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi

đôi khi anh muốn tin
ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái

đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi

So sánh với ca từ trong ca khúc “Lệ Đá Xanh” của Cung Tiến:

Tôi biết những người khóc lẻ loi, Hồn
không nguôi, sầu không nguôi, Đời
quên yên bình cho người.

Đời không yên vui là đó:
lệ khóc không rơi ngoài hồn, lệ
khóc không rơi ngoài hồn, hồn
cô đơn…

Nghẹn ngào không nói là những đêm nao,
người ngắm trăng sao bềnh bồng.
là những đêm mắt lệ,

là những đêm mắt dâng lệ đá xanh.

Lệ đá xanh, ôi những đêm buồn một mình, ôi
những đêm lẻ loi,

sầu nâng chênh vênh tâm hồn.

Đôi khi anh muốn tin,

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời chỉ còn trời sao đáng kể, mà

bên vì sao lấp lánh đôi mắt em, và đôi

mắt em lấp lánh không thôi đến ngày cuối

Đôi khi anh muốn tin,
đôi khi anh muốn tin,
ngoài đời thơm thơm,
cỏ hoa ươm hương dịu hiền.

mà bên trái cây ngọt ngào đôi môi em,
ngọt ngào đôi môi em,

ngọt ngào đôi môi em
Nguồn sữa mật khởi đầu.

Đôi khi anh muốn tin
ngoài đời cỏ hoa tinh khiết,
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em,
vòng ân ái, vòng âu yếm.

Đôi khi anh muốn tin,
đôi khi anh muốn tin…
Ôi những người,
ôi những người khóc lẻ loi một mình.
Đau đớn lệ,

đau đớn lệ là những viên đá xanh.
Tim rũ rượi

(Sydney 1957)

Chúng ta có thể thấy ngay sự khác biệt giữa lời thơ và ca từ.

Đối với số người quan niệm thơ phổ nhạc nghĩa là thơ và nhạc đi song song với nhau như một cặp tình nhân, nắm tay, lúc đi, lúc chạy, đôi khi nhảy; cùng nhau xuống lũng, lên đèo, đôi khi dừng nghỉ ngơi; miễn sao họ đi với nhau cho đến câu thơ cuối cùng.

Đi với điều kiện: quyết tâm theo sát lời thơ, không thiếu một chữ nào; quyết chí lên xuống theo âm sắc của chữ, không thay đổi gì; đôi khi trong vị trí lỡ làng của giai điệu trầm bổng; giọng ca thà bỏ mất dấu, hát lơ lớ, không chịu thay chữ khác. Đây là phương pháp phổ thơ của những nhạc sĩ e sợ thi sĩ không hài lòng hoặc ngược lại, thi sĩ không cho phép nhạc sĩ di dời, biến dạng chữ nghĩa trong lời thơ vì e ngại trình độ văn chương của nhạc sĩ. Dù vì lý do nào, phương pháp phổ thơ này chỉ là cách xướng âm theo âm sắc ngôn ngữ, rồi trang điểm thêm kỹ thuật căn bản của âm nhạc, hầu hết ai biết ký âm, cú pháp nhạc, đều có thể làm. Phần lớn những ca khúc phổ thơ theo kiểu này giống như những kẻ lang thang đi qua đời sống không để lại dấu chân. Trong 300 bài nhạc phổ thơ Du Tử Lê có bao nhiêu bài để lại dấu vết trên đường cái? Được bao nhiêu bài in lại dấu chân trên thềm xi măng? Cung Tiến không chọn lối phổ thơ này.

Nhạc Sĩ Cung Tiến

Thay vì thì sĩ và nhạc sĩ e ngại lẫn nhau, không hài lòng nhau, Cung Tiến chọn con đường “tái sáng tạo” bài thơ trong âm nhạc.

Tái sáng tạo là nghệ thuật đã có từ trước nhưng nở rộ và phát triển mạnh dưới thời kỳ Hậu Hiện Đại, trong phương pháp tái dụng và tái lập, để dẫn tinh thần và kỹ thuật tái sáng tạo trở thành sáng tạo vào đầu thế kỷ 21.

Nghệ thuật tái sáng tạo đòi hỏi nhạc sĩ phải thẩm thấu bài thơ tận hết khả năng hiểu biết và cảm nhận (nghĩa là xâm nhập vào bài thơ từ trí tuệ đến tâm tình). Bài thơ của Thanh Tâm Tuyền xây dựng trên tứ thơ: Đôi khi anh muốn tin / Những người khóc lẻ loi một mình. Chính nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng đã nhận ra tinh túy của bài thơ “Lệ Đá Xanh” và ông đã dùng tứ thơ này để kết thúc ca khúc “Nửa Hồn Thương Đau” của ông: Đôi khi em muốn tin / Ôi những người, ôi những người khóc lẻ loi một mình.

Thơ và nhạc trong nghệ thuật tái tạo có thể ẩn dụ như khí Hydrogen (H) và khí Oxygen (O), kết hợp với nhau trong một công thức H2O, trở thành nước. Nước là sự hòa hợp nhất quán của Hydro và Oxy. Trong tinh thần này, thơ và nhạc hòa hợp với nhau để trở thành một ca khúc, một tác phẩm, không còn H, không còn O, chỉ là nước. Một ca khúc thơ phổ nhạc, nhất là thơ khó, đạt đến khả năng hòa hợp này sẽ là ca khúc có giá trị, có khả năng sống lâu dài.

Phạm Duy phổ nhạc bài thơ “Ngậm Ngùi” của Huy Cận rất hay, nhưng vẫn không thoát ra giai điệu “bằng trắc”, tiết tấu 6-8, và không khí thơ Lục Bát. Trong khi ca khúc” Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà”, ông đã thoát ra bài thơ ”Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan, và nhập lại thành một ca khúc để đời. “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà” là ca khúc phổ thơ nghệ thuật.

Ca khúc “Lệ Đá Xanh” của Cung Tiến, giữ nguyên tựa đề, tập trung vào tứ thơ: Đôi khi anh muốn tin / Ôi những người khóc lẻ loi một mình. Rồi ông nhấn mạnh đến những giọt lệ đau đớn, những giọt lệ không rơi ngoài hồn, những giọt lệ đá xanh.

Sự hòa hợp không chỉ ở phạm vi thơ-nhạc, mà đòi hỏi khả năng hòa hợp giữa hai tác giả. Trước tiên, nhạc sĩ phải có sự đồng cảm với thi sĩ về cảm xúc và ý tưởng của bài thơ. Thơ không chỉ khơi dậy nguồn cảm tính, mà còn đánh động nhạc sĩ về ý tưởng, tứ thơ, và ngôn ngữ. Trong sự đồng cảm luôn luôn có sự khác biệt của kinh nghiệm về những gì đồng cảm. Tạo ra một số tứ nhạc liên hệ với tứ thơ, đôi khi không có trong bài thơ. Những khác biệt này là cảm hứng do bài thơ tạo ra cho nhạc sĩ.

Khả năng của người nhạc sĩ là nói lên sự đồng cảm và sự khác biệt ở một mức độ nào đó, để ca khúc trở thành một tác phẩm có giá trị. Đây là công việc của tâm trí và cảm xúc. Trong khi, về mặt học thuật, thể hiện ra âm nhạc, nhạc sĩ có trách nhiệm, không phải phát âm lại bài thơ bằng âm nhạc, mà sáng tạo một tác ph ẩm nói lên tinh thần, thông điệp, không khí của bài thơ và tâm trí của thi sĩ bằng nghệ thuật sáng tác nhạc, bằng cá tính, bằng tận sở học, để tạo ra sự hòa hợp. Thơ phổ nhạc luôn luôn là sản phẩm nghệ thuật chung của hai trí tuệ và hai tâm hồn đồng điệu.

Phổ một bài thơ vào nhạc không phải vì muốn mượn lời thơ để sáng tác nhạc, hoặc vì không có khả năng đặt lời hay nên dùng thơ để thế vào khuyết điểm của mình. Thơ trở thành nhạc vì thơ khiến cho nhạc sĩ yêu thích, cảm thông, xúc động, thúc đẩy sở trường âm nhạc để tạo ra một tác phẩm khác.

Hãy cùng nghe ca khúc “Lệ Đá Xanh” qua tiếng hát của ca sĩ Quỳnh Giao, một ca sĩ có khả năng trình bày đúng theo bản nhạc và ý muốn của nhạc sĩ.

Hãy nghe lại lần nữa để cảm nhận: Đời quên yên bình / Sầu nâng chênh vênh tâm hồn / của Cung Tiến đồng cảm gợi ra những khác biệt riêng tư: là những đêm nao / người ngắm trăng sao / bằng lệ đá xanh.

HOÀNG HẠC LÂU

Theo như nhạc sĩ Cung Tiến cho biết, ông đã thí nghiệm chất giọng ngũ âm để phổ bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu qua bản dịch của nhà thơ Vũ Hoàng Chương.

Xưa hạc vàng bay vút bóng người,
Đây Lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi.
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi,
Trắng một màu mây vạn vạn đời!

Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu,
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi!
Gần xa chiều xuống đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!

Hoàng Hạc Lâu” bài thơ nổi tiếng được nhiều người

tài hoa dịch sang tiếng Việt. Bản dịch theo thể lục bát của Tản Đà được nhắc đến nhiều nhất. Những bản dịch khác như của Ngô tất Tố, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San … (nhiều nữa) …

Điểm độc đáo trong bản dịch của Vũ Hoàng Chương:

Câu: Phương thảo thê thê Anh Vũ châu (Nguyên tác)

Có nghĩa: Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi.

Tản Đà dịch: Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.

Ngô Tất Tố dịch: Xanh ngát châu Anh, lớp cỏ dày.

Trần Trọng Kim dịch: Bãi kia Anh Vũ cỏ trông xanh rì.

Những câu thơ trên dịch gần sát câu thơ gốc, thuộc về mô tả cảnh trí bên ngoài. Trong khi câu dịch của họ Vũ, thoát ra mô tả, nhất quán với tâm tình cô đơn, mô tả nỗi niềm: Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi. “Chẳng ai chơi”, không có trong nguyên bản, nhưng tài tình đồng cảm thành khác biệt, nói lên “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phân” (Hạc vàng một bay không trở lại).

Chúng ta cùng nghe Quỳnh Giao diễn câu nhạc, thả lơi từ nốt “chẳng” xuống hai nốt “ai chơi” mà Cung Tiến tạo ra âm thanh lơ lửng gây trạng thái hoang mang.

Hoàng Hạc lâu, Quỳnh Giao trình bày:

Hai câu: Nhật mộ hương quan hà xứ thị (Trời chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?) Yên ba giang thượngsử nhân sầu (trên sông tỏa khói, sóng gợn, khiến buồn lòng người.)
Tản Đà: Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Ngô Tất Tố: Hoàng hôn về đó quê đâu tá? Khói sóng trên sông não dạ người.

Trần Trọng Kim: Chiều hôm lai láng lòng quê, khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu.

Vũ Hoàng Chương: Gần xa chiều xuống, đâu quê quán? Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi.

So sánh những câu dịch, “Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi“, như một câu nói than thầm với thiên nhiên và lòng mình. Gây ra một điều gì thân thiết, buồn bã, và hiu quạnh.

Nhận xét về ca khúc phổ thơ này, ca sĩ Quỳnh Giao, một người am tường về âm nhạc, cho rằng: “Toàn bài, Cung Tiến dùng âm giai ngũ cung đầy chất Đông Phương với nét nhạc thanh thản, nhuốm vẻ Lão Trang và phảng phất giai điệu Claude Delbussy trong bài “Claire de Lune”, Cung Tiến rất chuộng Debussy, người nhạc sĩ Pháp này đã khám phá nhạc Á Đông vào đầu thế kỷ trước. Debussy cũng dùng hợp âm ngũ cung và cũng lấy “Arpège” rải tay trái và đưa ra hợp âm lạ tai mà hài hòa êm áí … Bài Hoàng Hạc lâu là viên ngọc quí của thơ Đường. Bản dịch của Vũ Hoàng Chương là bài chuyển ngữ mang tâm sự của một thi hào trong hoàn cảnh bi đát của đất nước. Ca khúc Cung Tiến là sự kết hợp lạ kỳ của tình cảm và nhạc thuật để nối liền ngần ấy nét đẹp của thơ, của nhạc.” (Quỳnh Giao, “Vũ Hoàng Chương-Cung Tiến và Hoàng Hạc Lâu.”)

Giữa những bản dịch, Cung Tiến chọn bản của Vũ Hoàng Chương, trước hết vì đây là bản dịch của một người bạn thân, một thi sĩ tài hoa, sau đến vì bản dịch còn cho ông những lời thơ mà ông có thể tạo ra những giai điệu tha thiết của một kẻ xa nhà, như ông xa quê hương.

ĐÊM. THƠ NHẠC TÀI TÌNH

Có thể nói, ca khúc “Đêm” của Cung Tiến ít có ai biết, ít có ai hát, vì vậy, ít có người thưởng thức sự hòa hợp tài tình giữa thơ và nhạc, giữa Thanh Tâm Tuyền và Cung Tiến. Tuy Cung Tiến đã phổ nhạc một số thơ Thanh Tâm Tuyền, nhưng không có bài nào thể hiện khả năng nhập nhạc vào thơ như bài “Đêm”. Tại sao?

Vì bài thơ tự do này mang tiết tấu bất thường, âm sắc xốc xỉa, ngôn từ góc cạnh, ý tưởng khô, lạnh, và sâu, chỉ đọc lớn tiếng thôi đã khó, nói chi đến vang lên trong nhạc.

Ca từ: Đêm.

Rồi những đêm nào chiến tranh đã quên
Con mắt đen niềm im lặng
Anh vẫn đi hoài
Anh vẫn đi hoài trong thành phố
Cô đơn
Trưa nắng cháy
Vào sâu trong ghẻ lạnh
Với máu trong tim
Chảy nhanh nhanh như máy móc đau ốm
Ở cuối đêm
Em rũ tóc nói những lời mê sảng
Những ám hiệu
Của mặt biển đen không
Tình yêu tuyệt vọng
Anh xé tóc em cùng những cành lá chết
Mùa thu
Ghi thương tích nơi cườm tay
Khóa chặt
Anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
Khuôn mặt vỡ tan
Như cẩm thạch
Như nước mắt
Như muôn đời
Không hối hận
Con đường anh phải đi một mình
Trần truồng dã thú
Đón anh ở cuối đường
Hố sâu vĩnh viễn
Không có em

Bên kia bức tường
Anh bị nhốt trong trại hủi
Tiếng ngàn năm em gọi
Yêu nhau hết một đời
Hết một đời chưa thỏa
Còn kiếp nào gặp nhau?
Em nguyền rủa
Lời thằng du đãng …
Đừng ràng buộc thiên tài
Cho đi hoang làm cơn lốc bi thảm
Cuốn theo chính mình chết theo không gian

Một bài thơ, một ca từ, mang tâm trạng của những ai đã từng chịu đựng chiến tranh, nạn nhân của sức tàn phá, mất mát, tình thương và đời sống; cho những ai đương đầu với hậu quả chiến tranh “con mắt đen niềm im lặng trong nội tâm“; cho tình yêu “xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc“; cho muôn đời “mùa thu ghi thương tích nơi cườm tay“. Vết sẹo của người tự tử được cứu sống.

Vẻ thẩm mỹ hết sức u ám trong ca khúc này có lẽ là một tích trữ âm u trong lòng người nhạc sĩ. Chất giọng giai điệu diễn tả ca từ, có khi đau thương, có khi ghê rợn, có khi kỳ quái, xen lẫn là những câu thơ khác thường: “Em rũ tóc nói những lời mê sảng / Khuôn mặt vỡ tan như cẩm thạch / Anh bị nhốt trong trại hủi / Đừng ràng buộc thiên tài /” … Khác hẳn với những chất giọng mà chúng ta nghe được từ thuở ban đầu như “Hoài cảm”, “Nguyệt Cầm”, cho đến về sau này như “Vang Vang Trời Vào Xuân.” Đây là một hợp phẩm thơ-nhạc mà tôi thích thú nhất trong dòng thơ phổ nhạc Việt.

Vào những năm cuối thế kỷ 20, chúng tôi đã dàn dựng cảnh một thành phố hoang tàn bởi chiến tranhtrên sân khấu lớn của đại Học Houston, Texas. Thái Hiền, Nguyễn Thảo đã trình bày ca khúc Đêm của Cung tiến với phần hòa âm của nhạc sĩ Vĩnh Lạc, trong phần mở đầu của nhạc kịch “Bên Kia Sông Đuống“, thơ Hoàng Cầm, nhạc Ngu Yên, trình diễn do Mai Hương, Thái Hiền, Nguyễn Thảo và nữ sĩ Kiều Loan.

Chúng tôi, những người yêu mến Cung Tiến vì tài năng đa dạng trong âm nhạc, trong văn chương. Rồi chúng tôi kính trọng sự hiểu biết của ông và sức gia công học tập không ngừng trên hành trình nghệ thuật. Đúng nghĩa một người nghệ sĩ sống hết lòng làm đẹp cuộc đời.

Những ngày tháng vui buồn với nghệ thuật như con sâu đang bò bỗng hóa cánh bay mất. Thời gian là bàn tay áp tải con người đi đến cõi chết. Những gì để lại nơi cánh cửa cuối cùng, di sản đó, sẽ đánh giá phẩm chất và giá trị của mỗi người. Cung Tiến đã bước qua và cánh cửa đóng lại, nhưng di sản nghệ thuật mà ông trao tặng cho người Việt, vô giá. Rồi đây, trong tháng năm đang tới, sẽ có lần chúng ta nghe lại những ca khúc của ông, thử hỏi có bao nhiêu người bùi ngùi cảm tạ?

Tác giã : Ngu Yên


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop