Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

18/06/2023
6 phút đọc
560 views
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng
Hình: Hạnh Tuyền/Người Việt

Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm Tưởng, thế hệ thanh niên miền Nam vào cuối thập niên 1950, ít ai biết đến cái tên Cung Trầm Tưởng . Song, từ “Tiễn Em“, tên của ông vang dội cả một vùng đất nước dưới vĩ tuyến 17.

Những bài thơ lãng mạn, nhẹ nhàng và sang trọng được một thiên tài âm nhạc chắp cánh đã trở thành hai trong những bài thơ phổ nhạc đẹp nhất của thế kỷ XX.

Lên xe tiễn em đi,
Chưa bao giờ buồn thế,
Trời mùa Đông Paris,
Suốt đời làm chia ly …

Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách

Tuyết rơi mỏng manh buồn
Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng …

Sống giữa thời tao loạn, quay cuồng trong cỗ máy chiến tranh, tuổi trẻ miền Nam những năm 1960 thường trải qua nhiều tâm trạng khác nhau, song chung quy vẫn là nỗi buồn chiến tranh, là niềm khắc khoải về số phận cay nghiệt của mỗi kiếp người, là cái vô nghĩa của cuộc sống trước sự hủy diệt của súng đạn và cuồng vọng của con người. Có lúc, người chiến binh Cung Trầm Tưởng phủi bỏ hết mọi thứ, kể cả những con người, những tình cảm tưởng như gần gũi nhất của đời ông:

Nếu ngày mai cam phận tôi lên đường
Về một miền trời nồng mùi thuốc súng
Xin các người đừng tụ tập lăng xăng
Đừng đọc diễn văn, trương cờ xí
Đừng ủy lạo tặng quà
Quàng vòng hoa chiến sĩ
Đừng chu choa tiếng kèn đồng
Bởi cái chết là một món hàng vô giá
Không lễ tiễn đưa nào chuộc được …


Di ảnh tôi
Xin các người đừng phóng lớn, phô bày
Trong công viên, ngoài phố xá
Bởi sinh thời thường tránh chốn lao xao
Chỗ chợ người bon chen bát nháo
Tôi muốn được chết âm thầm, tan loãng giữa vô danh
Một vết xước nhợt nhoà
Trên vô tình lịch sử

(Chúc thư của một người lính vô danh)

Sau Tô Thùy Yên, sự ra đi của Cung Trầm Tưởng vào ngày 9.10.2022 để lại trong lòng người yêu thi ca và âm nhạc miền Nam nỗi tiếc nhớ không cùng.

Cũng như Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng (với tên thật Cung Thức Cần và cấp bậc Trung tá VNCH), cũng từng trải qua 10 năm tù cải tạo sau 1975 và quãng thời gian nhục nhằn đó đã hun đúc một tinh thần chịu đựng, một khả năng diễn đạt tinh tế những ngang trái của cuộc sống tù đày.

Nếu ở Tô Thùy Yên, ta có:

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh

Thì ở Cung Trầm Tưởng, những hồi ức về quãng đời này đớn đau hơn, cay nghiệt hơn, nhưng cũng thực tế và gần gũi hơn:

Đời tù bất trắc mây vô định,
Lá cỏ ngày nào sẽ rụng rơi,
Phiến tròn sẽ gãy khô từng phiến
Giữa chốn hoang vu tịch mịch đời.

(Nộ thi)

….. Áo tù thẫm máu đôi vai
Bàn chân nứa chém, vành tai gió lùa
Ngó tay bỗng thấy già nua
Cứa em thân xác thấy mùa thu qua
Môi cằn má hóp thịt da
Ngô vơi miệng chén, canh pha nước bùn
Đêm nằm ruột rỗng vai run
Đầu kề tiếng súng chân đùn bóng đêm

(Làm ở Hoàng Liên Sơn năm 1977)

Câu “Ngô vơi miệng chén, canh pha nước bùn” diễn tả hết nỗi đau xót của một đời tù! Phải từng sống qua cuộc đời đó, từng xót ruột với những chén lưng bắp hạt nhai trợn trạo, nuốt trợn trạo, phải từng uống những ngụm nước đỏ ngàu trên nguồn đổ xuống trong mùa nước lũ thì mới cảm được hết cái tinh tế của Cung Trầm Tưởng trong bài thơ trên.

Người tù Cung Trầm Tưởng những năm ấy không chỉ đau cho cái đau thân phận của mình, mà còn vì thân phận của những người thân yêu cũng đang trải qua những nghịch cảnh lớn lao nhất:

Đêm Kinh Tế Mới ngủ bờ
Về thành phố cũ ngủ nhờ sân ga
Ngủ công viên, ngủ tha ma,
Xóa tên “hộ khẩu ” ngủ nhà vạn gian

Trong lúc Tô Thùy Yên sau 10 năm lao lý, trở về với tâm trạng nhẹ nhàng và bao dung:

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này

(Ta về)

thì Cung Trầm Tưởng gay gắt hơn với những nghịch cảnh ông đã trải qua, có lẽ vì thế mà trong những năm dài sau 1975, tên tuổi của ông ít được nhắc nhở đến, và ông vẫn sống âm thầm cho đến ngày rời bỏ cuộc sống tại Minnesota, (Mỹ).

Những dòng tưởng nhớ viết vội này dành cho một tài hoa không còn nữa, giã từ cuộc sống bộn bề và nhiều ngang trái. Từ bây giờ và mãi mãi về sau, mỗi khi nhạc phẩm “Tiễn em” của nhạc sĩ Phạm Duy trỗi lên, cái tên Cung Trầm Tưởng vẫn sẽ sáng mãi trong ký ức của mỗi chúng ta.

Lê Nguyễn
11.10.2022


Latest from Blog

Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop