Trước 1975, tại Sài Gòn có khoảng hơn 60 rạp hát lớn nhỏ. Thời ấy, người Sài Gòn giải trí chủ yếu là xem xi nê (hay còn gọi là chiếu bóng, chiếu phim) nên các rạp hoạt động rất rầm rộ.
Một thời vang bóng
Điện ảnh do người Pháp khai sinh vào cuối thế kỷ 18. Loại hình nghệ thuật này theo chân quân đội Pháp đến với người dân Sài Gòn vào những năm đầu của thập niên 1930. Hai rạp chiếu bóng đầu tiên được xây dựng để phục vụ chiếu phim.
Rạp Majestic nằm ở cuối đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi). Rạp thuộc loại hạng sang và đẹp, nằm cận kề với khách sạn Majestic.
Cũng trên con đường này, rạp Eden nằm ẩn mình bên trong hành lang Eden, vốn là thương xá mua sắm nổi tiếng. Theo đánh giá của nhiều người, đây là 2 rạp có cấu trúc đẹp và sang trọng bậc nhất thời bấy giờ.
Ban đầu, đối tượng đến xem phim tại 2 rạp này là người Pháp. Một số người Việt chịu ảnh hưởng lối sống của Pháp cũng thường xuyên đến. Điều bất ngờ – ngay cả chính người Pháp cũng không lường trước được – là sự hưởng ứng nồng nhiệt của các tầng lớp người Việt.
Chỉ trong khoảng thời gian hơn 10 năm, số lượng khán giả người Việt đến xem phim quá đông khiến các ông chủ rạp người Pháp phải nhường quyền kinh doanh chiếu bóng lại cho người Việt.
Đỉnh điểm của sự phát triển này xảy ra rầm rộ nhất là vào năm 1950. Hàng loạt rạp chiếu bóng từ hạng sang có máy lạnh với sức chứa khoảng 1.000 khán giả cho đến các rạp bình dân ở các vùng ven ra đời đều được người xem đón nhận nồng nhiệt.
Rạp Majestic hoạt động một thời gian sau đó chuyển đổi thành nhà hàng. Hiện nay nơi đây là phòng trà Maxim’s. Có thể nói, Majestic ra đời sớm nhất nhưng trụ với điện ảnh khá ngắn ngủi.
Rạp Eden tồn tại cho đến đầu thập niên 1970. Một phần của rạp được chuyển thành phòng trà Tiếng Tơ Đồng. Không lâu, Eden bị xóa sổ hoàn toàn để trở thành Trung tâm mua sắm Eden Mall. Ngày nay, dấu tích của rạp Eden, nhà hàng Givral, cà phê La Pagode, cả một chuỗi hình ảnh về Sài Gòn đã bị đập bỏ hoàn toàn để xây dựng khu thương mại…
Majestic và Eden không còn không có nghĩa sinh hoạt của các rạp chiếu bóng đi vào ngõ cụt mà ngược lại, hàng loạt rạp chiếu bóng khác ra đời đành dấu thời kỳ hưng thịnh nhất của loại hình nghệ thuật thứ 7.
Sau đây là danh sách các rạp xi-nê Sài Gòn trước 1975 được sắp theo thứ tự abc.
– Alhambra – Nguyễn Cư Trinh.
– Alliance Française – Đồn Đất. Rạp của Trung Tâm Văn Hóa Pháp chiếu toàn phim Pháp không có phụ đề Việt ngữ, hiếm khi thấy người Việt đi xem.
– Aristo – Lê Lai. Sau 1954 đây là nơi trình diễn thường trực của đoàn cải lương Kim Chung di cư từ miền bắc vào nam, đoàn có thêm tên phụ là Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô. Nữ nghệ sĩ chính là Kim Chung.
– Asam – Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao. Rạp nằm trong một hẻm nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng giữa đường đường Phan Thanh Giản. Rạp này đã biến mất hoàn toàn vào khoảng từ giữa đến cuối thập niên 60, không để lại vết tích gì.
– Hiền Vương. Gần đó có tiệm mì Cây Nhãn nổi tiếng một thời, về sau nghe nói tiệm mì này dời về ngã tư hay ngã năm Bình Hòa gì đó.
– Cẩm Vân.
– Võ Di Nguy – Phú Nhuận.
– Cao Đồng Hưng – Bạch Đằng, chợ Bà Chiểu, Gia Định.
– Casino Đa Kao – Đinh Tiên Hoàng. Rạp tương đối khang trang, phim khá chọn lọc, giá cả nhẹ nhàng, địa điểm rất thuận tiện nằm gần Cầu Bông.
– Casino Sài Gòn – Pasteur. Tên mới là Vinh Quang.
– Cathay – Công Lý, Chợ Cũ.
– Catinat – Tự Do. Rạp xi-nê tí hon này nằm trong một hành lang từ đường Tự Do xuyên qua đường Nguyễn Huệ về sau chuyển đổi thành phòng trà ca nhạc với nhiều tên : ‘Au Chalet’, và ‘Đêm Màu Hồng’, nơi ra mắt của ban ‘Phượng Hoàng’ thời kỳ trước khi nhập với ca sĩ Elvis Phương.
– Cầu Muối – Bến Chương Dương, Cầu ông Lãnh. Chuyên hát bội.
– Cây Gỏ – Minh Phụng, Chợ Lớn. Chuyên diễn Cải lương.
– Diên Hồng – Yersin.
– Đại Đồng – Nguyễn Văn Học, Gia Định.
– Đại Đồng – Cao Thắng. Một rạp nhỏ chuyên chiếu phim cũ nhưng khá chọn lọc, giá cả thật nhẹ nhàng, địa điểm rất thuận tiện. Càng thuận tiện hơn nữa vì cạnh rạp có một tiệm bò bía rất ngon và rẻ.
– Đại Lợi – Thoại Ngọc Hầu, Chợ Ông Tạ.
– Đại Nam – Trần Hưng Đạo. Rạp Đại Nam là rạp sang trọng nhất Sài Gòn, những phim mới được chiếu trước tiên ở đây và một vài rạp khác rồi một thời gian sau mới được đưa đi tỉnh hoặc các rạp nhỏ chuyên chiếu lại. Mỗi phim gồm có nhiều cuộn nên thời đó mấy rạp cùng chiếu chung một phim bằng cách chia lệch giờ khởi chiếu. Mỗi khi chiếu xong một cuộn thì có người xách đi giao cho rạp kế tiếp và ngược lại.
Có lần rạp Đại Nam đang chiếu phim “Pillow Talk” (1959) thì anh chàng đi giao cuộn phim đã mải mê uống nước giải khát hay sao đó mà để mất đi cuộn phim phải giao. Tất cả các rạp cùng chiếu phim đó đành phải ngưng lại và đem phim khác ra chiếu đỡ. Mãi một thời gian sau, không rõ cuộn phim được chuộc lại hay phải mua phim mới Pillow Talk mới được chiếu trở lại. Đến khi rạp Rex ra đời vào năm 1962 thì rạp Đại Nam xuống còn ngôi vị thứ hai.
– Đại Quang – Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn. Rạp này hoàn toàn Trung Hoa chẳng có gì là Việt Nam hết vì họ chiếu toàn phim Tàu.
– Đồng Nhì – Lê Quang Định, Gia Định.
– Eden -Tự Do.
Rạp quá nổi tiếng này không nằm ngoài mặt đường mà lại nằm sâu trong một thương xá cũng được gọi là Eden. Đến rạp, khán giả có thể đi vào từ phía đường Tự Do, Lê Lợi hay Nguyễn Huệ đều được cả. Cái tên rạp tiếng Pháp tự nó cho biết rạp này đã có từ thời Pháp thuộc và kiến trúc bên trong thì đúng y như những rạp bên Pháp được thấy qua các phim xi-nê. Ở Sài Gòn, chỉ duy nhất rạp này mới có hai balcons (tầng lầu).
Thông thường, khi xem xi-nê, ngồi balcon 1 là hay nhất vì nhìn xuống vừa tầm mắt không mỏi cổ và không bị cái đầu của người ngồi hàng ghế trước che khuất tầm nhìn. Balcon 2 của rạp Eden thì nhỏ hơn và quá cao nên nhìn sâu xuống muốn cụp cái cổ luôn nên phần đông khán giả chẳng màng để ý đến sự hiện hữu của nó, ngoại trừ dân đào kép Sài Gòn thì chiếu cố rất nhiệt liệt và gọi đó là ‘pigeonnier’ (chuồng bồ câu). Đi xem xi-nê một mình khi rạp hết chỗ phải lên đó thì buồn lắm vì trên ấy đào kép mùi mẫn chẳng cần biết trên màn ảnh chiếu cái gì, nhất là những cặp ngồi ở hàng ghế chót có sau lưng nguyên bức tường thì tha hồ lâm ly chẳng lo có ai nhìn đến trong cái tối mù mù.
Ca sĩ huyền thoại Pháp Dalida đã trình diễn ở rạp này.
– Hào Huê – Sau này đổi thành rạp Nhân Dân – 372-374, Trần Phú, P7, Q5. Rạp ở gần khu Lacaze là rạp hát của gánh hát Quảng cũng được sửa lại cho gánh cải lương mướn.
– Hoàng Cung – Triệu Quang Phục, Chợ Lớn.
– Hồng Liên – Hậu Giang, Chợ Lớn.
– Hùng Vương – Pétrus Ký, Sài Gòn.
– Huỳnh Long – đường Châu Văn Tiếp – hông chợ Bà Chiểu
– Hưng Đạo – Nguyễn Cư Trinh.
– Khá Lạc – Nguyễn Tri Phương. Rạp nằm cạnh tiệm phở Tương Lai hiện vẫn còn bán phở.
– Khải Hoàn – Võ Tánh và Cống Quỳnh.
– Kim Châu – Nguyễn Văn Sâm, Chợ Cũ. Khi rạp bắt đầu khai trương thì họ đã quảng cáo sẽ chiếu phim “Sapho” (1960). Tuy chỉ là một phim hạng B hoặc C nhưng nữ tài tữ Tina Louise có vẻ đẹp duyên dáng nên rất được khán giă hưởng ứng. Qua đến những phim kế tiếp, rạp Kim Châu đã tuyển chọn những phim cùng loại nên rất được khán giả hài lòng.
– Kinh Đô – Lê Văn Duyệt. Đây là một rạp xi-nê hạng sang, chỉ kém hơn rạp Đại Nam một tí. Rạp khai trương sau rạp Đại Nam nhưng lại chỉ hoạt động một thời gian tương đối ngắn ngủi rồi biến thành một chi nhánh của cơ quan USAID.
– Kinh Thành – Hai Bà Trưng, Tân Định.
– Lạc Xuân – Gia Long, Gò Vấp.
– Lam Sơn – Bùi Chu. Mũi tàu Lê Lai, Bùi Chu, Võ Tánh chéo góc với nhà thờ Huyện Sĩ, vòng qua bên hông rạp phía đường Lê Lai thì có nhà của nữ kịch sĩ Kim Cương. Rạp xi-nê này chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn ngủi rồi bị đóng cửa vì vị trí của rạp quá gần một nhà thờ, vào thời kỳ đó là Đệ Nhất Cộng Hòa, nên Công Giáo đang có ưu thế.
– Lê Lợi – Lê Thánh Tôn. Rạp chiếu phim cũ nhưng tuyển chọn toàn phim hay và chỉ chiếu trong 1, 2, hoặc 3 ngày rồi đổi sang chiếu phim khác.
Những phim classic như “High Noon”, “Crimson Pirates”, “Vera Cruz”, “Waterloo Bridge”… được chiếu đi chiếu lại luôn, nếu hụt xem phim nào thì khán giả cứ kiên nhẫn chờ đợi, một thời gian sau thế nào phim đó cũng sẽ được chiếu lại. Lịch trình chiếu phim được niêm yết trước gần một tháng để khán giả chuẩn bị ngày đi xem phim.
Rạp Lê Lợi có thể nói là rạp duy nhất ở Sài Gòn chiếu phim theo phương thức này, một ít rạp khác có bắt chước phần nào nhưng rồi cũng không theo hoàn toàn hoặc sau đó phải thay đổi phương hướng được gọi là ‘revival movie theater’, chỉ khác một chi tiết là họ chiếu hai phim liên tiếp cùng có chủ đề giống nhau. Ai chịu đựng nổi thì ngồi xem hết, ai chịu không nổi thì phải bỏ về thôi vì quá đói bụng, họ không cho đem thức ăn từ ngoài rạp vào và trong rạp chỉ có bán popcorn (bắp rang Mỹ), kẹo, bánh, soda (nước ngọt có ga như: Coca Cola, 7Up…).
– Lệ Thanh – Phan Phú Tiên, Chợ Lớn.
– Lido – Đồng Khánh, Chợ Lớn. Rạp này có một lịch sử khá ly kỳ. Rạp nằm trong vùng Chợ Lớn cạnh Đại Thế Giới cũ chuyên chiếu phim u Mỹ trong khi các rạp chung quanh đều chiếu phim Tàu. Đến cuối thập niên 60, rạp ngưng hoạt động để cho Mỹ mướn làm khu cư trú và câu lạc bộ. Sau năm 1975, rạp hoạt động chiếu phim trở lại và chỉ mới gần đây, rạp đã bị đập phá ra để nhường chỗ cho một công trình xây dựng nhà cao tầng hay gì đó. Bạn nào có kỷ niệm đẹp hay quyến luyến rạp này thì chỉ còn có thể nhớ qua ký ức mà thôi vì rạp đã biến mất không còn nữa.
– Long Duyên – Hồ Văn Ngà.
– Long Phụng – Gia Long, chuyên chiếu phim Ấn Độ.
– Long Thuận – Trương Công Định và Nguyễn An Ninh.
– Long Vân – Phan Thanh Giản.
– Majestic – Tự Do. Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Nơi đây được xây thành vũ trường Maxim tầng trên và sân khấu trình diễn ca vũ nhạc kịch tầng dưới do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách. – Minh Châu – Trương Minh Giảng. – Minh Phụng – Hồng Bàng, Chợ Lớn. Thật ra, nơi đây là đình Minh Phụng, khi xưa có lúc khai thác chiếu phim ban ngày.
– Mini Rex – Lê Lơị.
– Moderne – Trần Văn Thạch, Tân Định. Tôi không có duyên với rạp này nên chưa bao giờ có dịp bước chân vào.
Theo lời một thân hữu, rạp này có vài ba đặc điểm: lối vào rạp đâm ngang hông phía giữa những hàng ghế, ghế bằng cây nên khi dứt phim khán giả cùng đứng dậy làm cho ghế cây khua lên rầm rầm, và cũng vì ghế cây nên đoàn quân rệp tha hồ cắn phá đám khán giả trong bóng tối của buổi chiếu phim.
– Mỹ Đô – Trần Nhân Tôn và Vĩnh Viễn. Tên xưa là Thành Chung, tên mới là Vườn Lài.
– Nam Quang – Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp.
– Nam Tiến – Bến Vân Đồn.
– Nam Việt – Tôn Thất Đạm, Chợ Cũ. “The Bravados” (1958).
– Nguyễn Huệ – Nguyễn Huệ. Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Về sau là cơ sở U.S.O…
– Rạp Nguyễn Văn Hảo – nay là rạp Công Nhân, trụ sở Nhà Hát Kịch Thành Phố, Số 30, Trần Hưng Đạo, P. Phạm Ngũ Lão, Q1.
Một rạp hát được mệnh danh là Hàng Không Mẫu Hạm trước 1975, nơi đóng đô của một số đoàn hát cải lương lớn ở Sài Gòn ngày trước như: đoàn Việt Kịch Năm Châu, đoàn Hương Mùa Thu, đoàn Hoa Sen.
– Rạp Olympic – nay là Trung tâm Văn hóa TP.HCM – 97, Nguyễn Thị Minh Khai, P. Bến Thành, Q1. Rạp được công ty Kim Chung của ông bầu Long độc quyền cả chục năm trời từ sau năm 1958 cho 5 đoàn hát của công ty luân phiên diễn.
Với các vở diễn nổi tiếng một thời: Mạnh Lệ Quân, Lan và Ðiệp,…. * Khu vực “ngã tư quốc tế” (trục Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo ngày nay) trở thành một trong những khu hoạt động nhộn nhịp nhất của làng văn nghệ Sài Gòn ngày đó. Mặc dù mật độ các rạp hát khá dày (Nguyễn Văn Hảo, Thanh Bình, Hưng Đạo, Quốc Thanh, Khải Hoàn) nhưng các đoàn hát lớn thường xuyên tập kết về, đây trở thành nơi tập trung, điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ, giới ký giả kịch trường, các ông bà bầu muốn “săn” đào kép mới cũng tìm đến đây.
– Oscar – Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn.
– Phi Long – Xóm Củi.
– Palace – Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn.
– Quốc Thái – Trần Quốc Toản, Chợ Lớn.
– Rạp Quốc Thanh – Nay là rạp phim Cinestar – 271, Nguyễn Trãi, P. Nguyễn Cư Trinh, Q1. Được thành lập năm 1960 khi đoàn Thái Dương ra đời, rạp cũng là nơi đóng đô của đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân. Rạp có máy lạnh, có 1000 ghế trong khán phòng và sân khấu được thiết kế rộng rãi.
– Rạng Đông – Pasteur. Tên cũ là Hồng Bàng.
– Rex – Nguyễn Huệ.
– Rạp Thanh Bình – sau đổi là rạp Quốc tế, gần chợ Thái Bình trên đường Phạm Ngũ Lão, nay là căn hộ chung cư cao cấp. Là rạp có thang cuốn đầu tiên ở Việt Nam tại Sài Gòn.
Lúc đầu là rạp chiếu bóng, sau được ông Diệu sửa thành rạp cải lương để đoàn hát Thủ Đô của ông Ba Bản khai trương, ghi một dấu ấn sâu sắc trong lãnh vực nghệ thuật sân khấu cải lương là có một đoàn hát Thủ Đô có nhiều tuồng hay, có cảnh trí tuyệt đẹp và dàn cảnh vĩ đại.
– Thanh Vân – Lê Văn Duyệt, Hòa Hưng.
– Thủ Đô – Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn. Tên cũ là Eden. Chuyên diễn cải lương
– Trung Hoa – Đồng Khánh, trước nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn.
– Văn Cầm – Trần Hưng Đạo. Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Về sau là đại lý Honda đầu tiên tại Việt Nam.
– Văn Cầm – Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Rạp này có cái lệ luôn luôn chiếu một phim ngắn của 3 anh hề ‘Stooges’ trước khi chiếu phim chính. Rạp rất rẻ tiền không có máy lạnh nên rất ngộp thở.
– Văn Hoa – Trần Quang Khải, Đa Kao.
– Văn Lang – Cách Mạng, Phú Nhuận.
– Victory Lê Ngọc – Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn.
– Việt Long – Cao Thắng (sau trở thành Văn Hoa Sài Gòn, bây giờ là rạp Thăng Long).
– Vĩnh Lợi – Lê Lợi. Khoảng đầu thập niên 60, có xảy ra một vụ nổ lựu đạn trong rạp, có người bị thương nặng phải cưa chân.
Tổng hợp : Vietnamnet & saigonchuyenchuake