Lễ Tứ Tuần Đại Khánh của vua Khải Định, tháng 9 năm 1924 (Phần 2)

24/05/2020
9 phút đọc
2.5K views
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định

Trong 9 năm trị vì ngắn ngủi của mình (1916-1925), vua Khải Định cũng làm được một số việc được người đời nhắc đến, trong đó có chuyến Bắc tuần năm 1918 và cuộc Pháp du rầm rộ năm 1922. Trong những năm còn lại của đời mình, nhà vua cũng còn kịp tổ chức một lễ tứ tuần đại khánh với những nghi thức long trọng nhất.

Đọc phần 1

Tháng 6 Âm lịch năm 1924, Bộ Lại và Bộ Binh dâng lên nhà vua danh sách các Tổng đốc, Tuần vũ, Đề đốc, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh, Quản đạo tại tất cả các tỉnh. Nhà vua áp dấu son lên tên những người được đại diện các tỉnh về dự lễ, thông thường mỗi tỉnh ông chọn một người. Mặt khác, Bộ Lễ chỉ thị cho tỉnh Thừa Thiên mời các quan văn võ đã nghỉ hưu hay đang nghỉ phép có phẩm trật từ hàng ngũ phẩm trở lên cùng những bô lão từ 70 tuổi trở lên dự buổi lễ sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày cuối tháng 8 Âm lịch năm 1924. Ở các tỉnh, những thành phần trên sẽ đi theo các quan tỉnh đến vọng cung chúc thọ vua. Phủ tôn nhơn (cơ quan phụ trách các vấn đề trong hoàng tộc) lập danh sách các hoàng thân, tôn tước, công tử, công tôn và tôn thất tham dự buổi lễ.

Trước đó, bộ Lễ cũng đã thông tri cho quan lại thuộc các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, yêu cầu chọn những người có khả năng ca hát và tổ chức các trò chơi truyền thống, báo về bộ để tấu trình nhà vua biết. Hai tháng sau, bộ Lễ tập trung các viên chức của bộ, các nhạc công, ca công, tập luyện để biểu diễn trong buổi lễ tổ chức tại điện Thái Hòa và buổi đại yến tại điện Cần Chánh. Năm ngày trước chính lễ, Bộ Lễ hướng dẫn những người này đến Duyệt Thị đường (nhà hát trong cung điện) để tổng dượt trước sự chứng kiến của nhà vua.

Tháng 8 Âm lịch, Bộ Lễ ra thông báo cho các tòa án bản xứ biết là không được tuyên án trong 15 ngày, gồm 10 ngày trước buổi lễ, ngày lễ chính và 4 ngày sau buổi lễ. Các công sở và nhà dân treo cờ và thắp đèn suốt 5 ngày kể từ hai ngày trước buổi lễ. Bộ này cũng yêu cầu Khâm Thiên giám chọn hai ngày tốt trong tháng 8 để các hoàng thân, tôn tước thay mặt nhà vua làm lễ Kỳ cáo (công bố lễ sẽ diễn ra) ở Nam giao, Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu. Riêng vua Khải Định sẽ đích thân hành lễ tại Thế miếu (nơi thờ các vua triều Nguyễn). Sau đó, vào một ngày không định trước, nhà vua sẽ thân hành đến chào các bà thái hậu.

Lễ vật do các quan lại ở Huế và các tỉnh dâng lên vua được bộ Lễ tập trung, kiểm soát trước khi chuyển đến địa điểm hành lễ. Trước cửa Ngọ môn, người ta dựng lên một “chánh lâu” (khán đài chính) là nơi để lễ vật của hoàng thái hậu, phủ tôn nhơn, văn võ đại thần, các cung phi, công chúa, Phụ lộc phu nhơn (bà ngoại vua Khải Định), vợ và con các hoàng thân, thích lý (bà con của mẹ vua) và phu nhơn các văn võ đại thần. Ngoài chánh lâu, còn có:

– Sáu đắc lâu (khán đài phụ) chứa lễ vật của Tả trực, Hữu trực, Tả kỳ, Hữu kỳ, Bắc kỳ và Thừa Thiên.
– Hai trường bằng (khán đài rộng) là nơi tập hợp các thành viên của phủ Tôn nhơn, các quan lại trong triều.
– Một khán đài trước Phu Văn Lâu được dựng lên cho công chúng đứng xem lễ
– Một thủy lâu và thủy bằng (khán đài nổi trên sông) trước Nghinh hương đình (bến thuyền của vua)

Mười ngày trước lễ, lúc 6 giờ sáng, người ta bắn 9 phát súng thần công, cờ treo khắp nơi, và đèn đuốc thắp sáng. Một ngày trước lễ, nhà vua cùng các hoàng thân, văn võ đại thần đi xem các khán đài.

Cuối cùng thì buổi lễ cũng đã diễn ra long trọng tại điện Thái Hòa. Nhân dịp này, vua Khải Định ban các ân chiếu phong thưởng những người có công và mở tiệc khoản đãi Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Huế cùng các viên chức Pháp khác. Tối đến, vua Khải Định cùng các hoàng thân và văn võ đại thần ra Ngọ môn xem các trò chơi và đốt pháo bông.

Tham dự bữa tiệc ở điện Cần chánh có các hoàng thân, văn võ đại thần cùng tôn tước có phẩm trật từ tam phẩm trở lên. Các cung phi đời trước, cung phi tại triều, vợ và con gái các hoàng thân, vợ các đại thần dự yến phía sau điện Cần chánh, trong các bộ thành phục (áo dài có tay rộng). Buổi chiều, tiệc lại được dọn ra ở Duyệt thị đường dành cho các tôn tước từ tứ phẩm trở xuống, các công tôn, công tử, tôn thất, thích lý và quan lại đang làm việc tại Huế có phẩm trật từ tứ phẩm đến thất phẩm, cùng các quan đã về hưu từ ngũ phẩm trở lên. Ba ngày sau buổi lễ, các bô lão từ 70 tuổi trở lên được mời dự tiệc tại Thừa Thiên phủ.

Cũng cần nhắc lại là khoảng nửa năm trước cuộc lễ, Khâm sứ Huế Pasquier đã gửi cho Cơ mật viện một văn thư loan báo việc Toàn quyền Đông Dương Merlin quyết định gửi tặng vua Khải Định một con bạch tượng (voi trắng) do các thợ săn bắt được ở Đắc Lắc. Trong thư, có đoạn viết: “Quan Toàn quyền Đông Dương rất sung sướng được tặng hoàng đế kỷ vật này khi Ngài bắt đầu vào tuổi 40, và đối với ông, việc bắt được trên đất An Nam và chuyển giao lại cho triều đình một con bạch tượng trong năm nay chỉ có thể là một điều hạnh phúc đối với hoàng đế và nhân dân của ngài…”.

Tại buổi lễ chính, toàn quyền Merlin đích thân tham dự, hai bên trao đổi với nhau những bài diễn văn đầy tính ngoại giao. Trong sớ tấu, chỉ dụ về buổi lễ, người ta nói nhiều đến sự giản dị, tiết kiệm, song nếu những gì thật sự diễn ra đúng với chương trình đã vạch thì kinh phí bỏ ra không phải là nhỏ.

Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Cung đình Huế bên dòng sông Hương
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Khải Hoàn Môn và khán đài
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Điện Cần Chánh
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Gian nhà trưng bày các lễ vật
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Gian nhà trưng bày các lễ vật
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Gian nhà trưng bày các lễ vật
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Gian nhà trưng bày các lễ vật
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Gian nhà trưng bày các lễ vật
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Một đoàn hát tuồn Nam Định
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Vũ công từ một nhóm dân tộc thiểu số
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Nhóm vũ công và hát của vùng Vinh và Thanh Hóa
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Cổng Ngọ Môn
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Các quan lại đang chờ ở điện Cần Chánh
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Các quan lại đang quỳ ở điện Cần Chánh
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Các quan lại đang quỳ ở điện Thái Hòa
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Vua Khải Định dùng bửa ăn trưa ở điện Cần Chánh
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Tiệc dành cho các quan ở điện Cần Chánh
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Điện Thái Hòa
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Thuyền của các Thái Hậu và Hoàng Hậu
Lễ Tứ Tuần của vua Khải Định
Thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại tương lai)

Tác giã bài : Lê Nguyễn
Hình của ông Ngô Văn Đức Vincent de Bordeaux


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop