Vua Khải Định sinh năm 1885, tính đến năm 1924 là đủ 40 tuổi (ta). Song trước đó một năm, triều đình đã chuẩn bị dần lễ mừng tứ tuần đại khánh của ông
- Những hình ảnh quý hiếm của cuộc đảo chính 1963 Việt Nam Cộng hòa (Phần 2)
- Vài hình ảnh đau thương sau Tết Mậu Thân ở Chợ Lớn
- Tiệm mì Nguyên Lợi 60 năm không ngủ của 3 thế hệ người Hoa ở Sài Gòn
Ngày 17/5/1923, các thành viên Phủ Tôn nhơn (đúng ra là Phủ Tông nhơn) cùng văn võ đại thần dâng lên nhà vua một sớ tấu nhắc lại những đại lễ tứ tuần khánh tiết (mừng 40 tuổi) được tổ chức trọng thể vào các đời vua Minh Mạng (năm 1830), Thiệu Trị (năm 1846), Tự Đức (năm 1868), và ân cần “lưu ý” nhà vua rằng ông đang ở tuổi 39, chỉ còn một năm nữa để tổ chức lễ mừng 40 tuổi.
Tất nhiên là tờ tấu này được nhà vua hoan hỉ chấp nhận. Ông ban hành một chỉ dụ nêu lên sự cần thiết phải thực hiện việc này vì từ 50 năm qua, chưa từng có một lễ tứ tuần đại khánh nào được tổ chức (vì lẽ dễ hiểu là các vua sau vua Tự Đức, không có ai ở ngôi đến 40 tuổi cả). Tuy nhiên nhà vua cũng lưu ý là ngân quỹ năm 1924 không dồi dào như trước (do Pháp khống chế mọi khoản chi của triều đình), mặt khác nhiều lăng miếu đang xuống cấp, đang cần tiền tu sửa, nên phải tiết kiệm kinh phí trong buổi lễ.
Ngày 1/6/1923, Cơ mật viện chuyển qua tòa Khâm sứ Huế một bản sao tờ sớ tấu về lễ tứ tuần đại khánh của vua Khải Định để xin ý kiến. Trong thư phúc đáp, Khâm sứ Pasquier tỏ ý tán thành việc tổ chức lễ, nhưng cũng nhắc khéo với Cơ mật viện những lời lẽ của vua Khải Định muốn cho buổi lễ diễn ra trong sự giản dị và trang trọng, phù hợp với nghi thức của tổ tiên xưa. Mặc dầu lễ tứ tuần đại khánh sẽ diễn ra vào năm 1924, nhưng chương trình chi tiết buổi lễ đã được triều thần soạn thảo từ tháng 10/1923, căn cứ vào những gì đã diễn ra trong lễ tứ tuần của vua Tự Đức tổ chức vào năm 1868.
Tác giã bài viết : Lê Nguyễn