Việt Nam mời chuyên gia nước ngoài giúp bảo tồn di sản kiến trúc (Dinh Thượng Thơ)

16/04/2020
16 phút đọc
2.2K views
Trùng Tu Dinh Thượng Thơ
Dinh Thượng Thơ

Một trong những công trình kiến trúc từ thời Pháp ở Sài Gòn suýt nữa đã bị khai tử là Dinh Thượng Thơ, hiện là trụ sở của Sở Thông tin – Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh. Thay vì phá bỏ tòa nhà này, chính quyền thành phố Sài Gòn cuối cùng đã quyết định bảo tồn và đang kêu gọi sự đóng góp của các chuyên gia nước ngoài.

Dinh Thượng Thơ, nằm tại số 59-61 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, là công trình có lịch sử lâu đời của Sài Gòn, nhưng tòa nhà này lại chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa.

Công trình do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thời kỳ thuộc địa, hoàn thành vào năm 1864, với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ để điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Người dân thời đó gọi tòa nhà này là Dinh Thượng Thơ.

Năm 2018, hàng ngàn người đã ký tên vào kiến nghị yêu cầu chính quyền thành phố không phá bỏ tòa nhà Dinh Thượng Thơ khi nâng cấp trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng, chính quyền thành phố đã quyết định không phá bỏ Dinh Thượng Thơ và vào tháng 9/2019, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã đề nghị mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ giải pháp kỹ thuật trong việc bảo tồn công trình kiến trúc này.

Theo báo chí trong nước ngày 11/12/2019, chính quyền địa phương vừa quyết định tòa nhà Dinh Thượng Thơ sẽ được tu sửa thành nhà truyền thống Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Trả lời RFI Việt ngữ tại Thư viện Francois Mitterand, Paris, nhân dịp ghé qua Pháp giữa tháng 9/2019, ông Phúc Tiến, nhà nghiên cứu về lịch sử Sài Gòn, tác giả hai cuốn sách “Saigon – Hai đầu thế kỷ” (xuất bản năm 2017) và “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” (xuất bản năm 2016), nêu suy nghĩ của ông về đề xuất nói trên của Sở Quy hoạch – kiến trúc :

Đây là một đề xuất rất tốt. Cho đến nay, việc trùng tu di sản, các đền chùa, các công trình theo kiến trúc cổ truyền của Việt Nam thông thường là do các chuyên gia Việt Nam làm. Còn các công trình mang dấu ấn của phương Tây, đặc biệt là của Pháp, thì chúng ta phải có sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài.
Nếu tôi nhớ không lầm thì cách đây 20 năm, khi diễn ra thượng đỉnh khối Pháp ngữ ở Hà Nội, nước Pháp, lúc đó dưới thời tổng thống Jacques Chirac, đã tài trợ cho việc trùng tu Nhà hát lớn, một “báu vật” của Hà Nội cũng như của Việt Nam, một tòa nhà rất đẹp. Kiến trúc sư thực hiện việc trùng tu này là Hồ Thiệu Trị, một Việt kiều ở Pháp.
Mỹ Sơn, nơi đã được xếp là di sản của thế giới, với kiến trúc Champa, thì cũng đã có các chuyên gia Ba Lan đóng góp ngay từ đầu. Cũng như là Huế và Hội An, ngoài các chuyên gia Việt Nam, đều có các chuyên gia của UNESCO và của các nước khác giúp sức. Kinh nghiệm của nước ngoài trong việc trùng tu các tòa nhà phương Tây là rất cần thiết.

Trùng Tu Dinh Thượng Thơ
Dinh Thượng Thơ

Như vậy thì trong việc bảo tồn những công trình như Dinh Thượng Thư, các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là Pháp, có thể giúp được gì cho chính quyền của thành phố Sài Gòn? Về điểm này, nhà nghiên cứu Phúc Tiến nêu ý kiến :

«Điều đầu tiên, nhiều tòa nhà ở thành phố này là do Pháp thiết kế và xây dựng trước đây, hồ sơ xây dựng chắc là còn được lưu trữ ở Pháp. Kế đến, những tòa nhà này có kiểu kiến trúc đồng dạng với những tòa nhà ở chính quốc hoặc ở các thuộc địa Pháp, đặc biệt là các xứ nhiệt đới. Để trùng tu một tòa nhà trở lại bản gốc của nó, cũng như hiểu được công năng của nó, thì nên tìm đến những tác giả đầu tiên của nó.
Về việc trùng tu thì ở Việt Nam cũng đang có sự tranh luận. Cũng có nhiều lo âu là trùng tu, làm mới thế nào mà bây giờ nó không còn đẹp như ngày xưa, thậm chí sơn son, thếp vàng, làm cho nó ngược lại với nguyên bản hoặc làm cho nó kệch cỡm…. Cho nên cần có những kinh nghiệm.
Ngoài ra, trùng tu ở đây không có nghĩa chỉ là sơn phết hay khôi phục dáng vẻ cũ của nó, mà còn phải nghĩ đến việc trang trí nội thất, sử dụng lại chức năng của tòa nhà, bổ sung những chức năng mới. Chứ nếu chỉ trùng tu để lại làm trụ sở hành chính thì rất là uổng. Mời chuyên gia đến là để có thêm ý kiến làm cho phong phú hơn và tôi nghĩ là nước Pháp có nhiều kinh nghiệm.
Ở Paris tuần này, tôi đã có dự Ngày di sản châu Âu, đến Tòa Thị Chính của Paris. Tôi thấy Tòa Thị Chính không mang ý nghĩa chỉ là dinh thự hành chính, mà là một dinh thự văn hóa, từ phòng tiếp tân, từng cái sảnh, từng pho tượng của tòa nhà này.
Nếu phía Pháp có thể chuyển giao các tài liệu, kinh nghiệm, cũng như công nghệ để trùng tu thì rất là tốt. Nếu Việt Nam tổ chức đầu thầu, mời gọi thì sẽ nhiều chuyên gia châu Âu khác đến, chứ không chỉ có Pháp.”

Là một trong những quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm trong việc bảo tồn di sản kiến trúc, nước Ý cũng rất quan tâm đến mối tương quan giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế tại thành phố Sài Gòn. Đây cũng là chủ đề của cuộc hội thảo do tổng lãnh sự Ý tổ chức trong hai ngày 10 và 11/09 tại Sài Gòn. Cụ thể, hội thảo tập trung vào vấn đề kỹ thuật kiến trúc và kinh doanh bảo tồn di sản, nhằm trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế và trong nước.
Là một trong những người trình bày tham luận tại hội thảo, nhà nghiên cứu Phúc Tiến trình bày những vấn đề cụ thể được nêu lên tại hội nghị này :

«Đây là lần đầu tiên có một cuộc hội thảo do một cơ quan ngoại giao của một nước châu Âu đứng ra tổ chức. Ban tổ chức người Ý bao gồm tổng lãnh sự Ý và công ty SCE, một tập đoàn lớn về thiết kế, quy hoạch ở Milan, và nhiều công ty Ý khác.
Bản thân công ty SCE có một sáng kiến rất là hay : Trước cuộc hội thảo đó, họ đã cùng với tòa tổng lãnh sự Ý tổ chức cho sinh viên của hai trường Đại học Kiến trúc và Đại học Văn Lang, ngành kiến trúc, chia ra làm nhiều đội tham gia cuộc thi « Thiết kế khu phố di sản trong thành phố thông minh ».
Chúng tôi rất là mừng khi thấy các em sinh viên đã rất phấn khởi, và đã đưa ra những đề xuất rất là hay. Ví dụ như đề án tạo một dải lụa là một cây cầu cho người đi bộ, bắc từ bên phía bờ Thủ Thiêm sang đến đối diện công trường Mê Linh, chỗ tượng Trần Hưng Đạo, sau đó đi theo con đường Mạc Thị Bưởi đến đường Nguyễn Huệ, tạo ra một con đường như là dải lụa đào trên không.
Các bạn còn đề xuất là biến đường Nguyễn Huệ, hiện giờ là phố đi bộ vào cuối tuần, khôi phục lại dòng kênh ở đây. Thời xưa, trước khi Pháp vào, đại lộ Nguyễn Huệ là Kênh Chợ Vải. Các bạn đề nghị khơi lại dòng kênh đó, để trở lại con kênh lịch sử, tạo ra một cảnh quan ngoạn mục, một con kênh uốn lượn ngay giữa lòng thành phố. Như thế nó sẽ làm gia tăng giá trị của những công trình dọc theo con đường đó.
»

Theo lời ông Phúc Tiến, hiện là giám đốc công ty Hợp Điểm, các ý kiến tại hội thảo còn nêu bật một điều : di sản không phải là một thứ để trang trí, mà có thể sinh lợi, hay nói cách khác phải làm phát triển cái gọi là kinh tế di sản, một khái niệm còn rất mới ở Việt Nam :

«Việc trùng tu di sản thì không nên chỉ được nhìn ở góc độ kỹ thuật, thiết kế, công nghệ, nhưng điều rất quan trọng là hãy nhìn nó ở góc độ kinh tế di sản. Đó là ngành kinh tế liên kết rất nhiều ngành. Nếu người ta nhìn di sản như là một nguồn tài nguyên, không những làm giàu về văn hóa, mà còn làm giàu về kinh tế, thì cách đối xử với di sản sẽ thay đổi rất là lớn.
Ví dụ, họ có đề cập đến trường hợp Roma, Milan, Florence, nơi mà những công trình kiến trúc tiêu biểu của nước Ý từ mười mấy thế kỷ vẫn được giữ gìn tốt, đem lại không những nguồn lợi về du lịch, mà còn là nguồn lợi kích thích các ngành như là xây dựng, kiến trúc, thiết kế, nội thất, kể cả đào tạo. Không chỉ có nhà nước, mà những tổ chức NGO (phi chính phủ), cũng như các doanh nghiệp đều có trách nhiệm làm việc đó.
Thứ hai, khi mọi người đã nhất trí đây là công trình có giá trị di sản rồi, thì cần có những cuộc thi, đấu thầu những dự án, biến nó thành những dự án kinh doanh, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là (đấu thầu) phải minh bạch.
Trong cách làm của người Ý, nếu muốn có được nguồn vốn để trùng tu các di sản, thì phải có một cuộc vận động. Thí dụ công ty SCE đang lập một dự án trùng tu Dinh Gia Long, hiện giờ là Viện Bảo tàng Thành phố, không chỉ trùng tu dinh này, mà còn mở rộng toàn bộ khu này thành một khu phố di sản.
Chúng ta có Tòa án, một tòa nhà rất đẹp, được trùng tu gần xong rồi. Dọc con đường Lý Tự Trọng có thư viện, đi lên nữa là Dinh Thượng Thơ. Đường Lý Tự Trọng thì chạy song song với đường Lê Thánh Tôn. Khu đó có thể trở thành một khu phố đi bộ, có hai công viên : Bạch Tùng Dương và Chi Lăng, rồi lại nối kết với khu chợ Bến Thành và đường Đồng Khởi (Catinat), đường Nguyễn Huệ.
Bản thân khu đất chung quanh Dinh Gia Long nếu trở thành một khu phố đi bộ, một khu phố di sản, thì người ta sẽ khống chế, không cho xây các nhà cao tầng, phá tan cảnh quan vốn dĩ rất đẹp của nó. Nếu có sự đồng thuận, dự án này sẽ đem lại một nguồn lợi rất lớn, không chỉ về văn hóa, về kinh tế, mà còn thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo.
Ví dụ các bạn tham gia cuộc thi có đề nghị công viên Bạch Tùng Diệp sẽ là không gian co-working về sáng tạo, nơi mà các bạn trẻ khởi nghiệp có thể đến đó cùng làm việc với những trang thiết bị hiện đại, rồi từ đó ra những ý tưởng mới. Cũng như viện bảo tàng không chỉ là một viện bảo tàng, mà ở đó cũng sẽ có gallery, quán cà phê, tiệm sách, không gian để nói chuyện. Người ta có thể đi bộ từ thư viện, qua tòa án, rồi đến Dinh Thượng Thơ để thưởng ngoạn một lịch sử.
Chính người Pháp ngay từ những năm 1860 đã thiết kế khu đó là khu hành chánh. Bây giờ nếu khu hành chánh đó trở thành khu di sản thì rất là hay. Con đường Lý Tự Trọng vào thời Pháp có tên là De La Grandière, tên một đề đốc người Pháp, nhưng trước đó nó có tên là đường Chính Phủ. Như vậy, con đường đó không phải là con đường thương mại, bây giờ nếu được chuyển thành con đường di sản, kết hợp lịch sử văn hóa, hành chánh, thương mại và sáng tạo, thì rất là tuyệt vời.
Tất nhiên, những ý tưởng cụ thể này rất cần sự tham gia của nhiều người. Tôi cho rằng, nếu có một cuộc đấu thầu, những công ty thắng thầu phải là những công ty có kinh nghiệm và có nhiều ý tưởng sáng tạo nhất, đồng thời phải biết huy động được nguồn vốn. Những công ty địa ốc sẽ sẵn sàng nhảy vào trong cuộc chơi này, bởi vì họ biết là sẽ có những cơ hội kinh doanh. Nhưng không thể chỉ nhìn đến kinh doanh đơn thuần, mà phải tính đến lợi ích chung của xã hội.
»

Tác giã : Thanh Phương (RFI)


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop