Văn hóa người Minh Hương ở Sài Gòn

12/04/2020
13 phút đọc
4.7K views
Chùa Thiên Hậu Chợ Lớn
Chùa Thiên Hậu Chợ Lớn

Có thể thấy được sinh hoạt văn hóa sinh động của người Hoa trước đây và hiện nay thì không có gì hơn là đến khu Chợ Lớn.

Trong Nhà truyền thống góc đường Triệu Quang Phục và Nguyễn Trãi (xưa gọi là đường Cây Mai) thường có triễn lãm và các hình ảnh xưa ở Chợ Lớn cùng các sản phẩm mỹ thuật.
Nhà Truyền thống trước đây là nhà hát Tam Đa của người Hoa trong vùng. Cạnh nhà truyền thống ở số 137 đường Triệu Quang Phục là trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc, chủ yếu là của người Hoa. Trụ sở là Hội quán của chùa bà (Thiên Hậu) cho mượn. Chùa Thiên Hậu nằm ở góc đường Nguyễn Trãi và Triệu Quang Phục. Đường Triệu Quang Phục xưa là đường Canton (Quảng Đông) trong thời Pháp và là trung tâm Chợ Lớn. Phim “Người Tình”, phỏng theo tự truyện “L’Amant” của nhà văn nữ Pháp Margurette Durras, được quay ở đường này. Nhà Xã Tây ở cạnh đây (gọi là Xã Tây vì là tòa nhà hành chính của Pháp chuyên lo chuyện nhập, xuất cảnh và giấy tờ). Vùng này ngày xưa cũng được gọi là Minh Hương xã.

Chùa Thiên Hương ở Chợ Lớn

Anh Trần Đại Tân, người Triều châu, quê ở Sóc Trăng là người biết nhiều về lịch sử người Minh hương ở Nam bộ. Anh Tân tặng tôi quyển sách của anh viết về người Hoa ở Nam bộ. Nói chuyện về các địa lý và phố xưa cũng như các người Hoa danh tiếng trong lịch sử và hiện nay, như Trần Thành trước đây và Lý Ngọc Minh hiện nay, với xưởng gốm ở Bình Dương. Hoạt động của Hội gồm hội họa, thư pháp, nhiếp ảnh, xuất bản văn học. Ngoài ra còn có ban bảo trợ văn hóa người Hoa, với chi hội ca múa nhạc có trụ sở là nhà văn hóa Quận 5, gần Đại Thế giới, đường Trần Hưng Đạo.

Từ hội quán, chúng tôi đi bộ đến thăm chùa Thiên Hậu do người Hoa Quảng Đông xây dựng, rất nhiều du khách nước ngoài viếng thăm. Kiến trúc chùa rất đẹp với các tượng trên nóc, mái chùa bằng sành sứ rất công phu và các tranh khắc trên tường là những tuyệt tác rất trang nhã của nghệ thuật người Hoa. Cạnh chùa Thiên hậu là đền Tam Sơn, trên đường Triệu Quang Phục, của người Phúc Kiến (Phúc Châu), nơi đây thờ Ngọc Hoàng, Quan âm, Quan công.., không có chữ quốc ngữ chỉ có chữ Hán trong và ngoài đền. Theo anh Tân, thì kế bên đền Tam Sơn, xưa kia có Thất phủ cổ miếu, nhưng đã bị phá đi, hiện nay là xí nghiệp in, chỉ còn lại một bức tường. Đây là một mất mác văn hóa to lớn.

Chùa Thiên Hậu Chợ Lớn
Chùa Thiên Hậu Chợ Lớn

Đến Đình Minh Hương Gia Thạnh trên đường Trần Hưng Đạo, gặp lại bác Vương Quang Tâm, hiện nay là người cai quản đình mà năm trước tôi có đến. Đình là tòa nhà cổ nhất Saigon, xây năm 1789, được công nhận là một di tích lịch sử. Năm 1698, ở vùng này đã hình thành nên làng Minh Hương ở Gia Thạnh, làng Minh hương còn để lại câu ca dao :

Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng
Đố ai lịch sự cho bằng làng Minh Hương

Lần trùng tu cuối cùng của đình là vào năm 1921. Trong đình, bên phải thờ Trần Thượng Xuyên (có 2 di ảnh tướng Trần Thượng Xuyên) và Nguyễn Hữu Cảnh, bên trái thờ Trịnh Hoài Đức và Ngô Gia Tịnh. Cạnh đó là 1 chuông đồng do vua Minh Mạng tặng, với sắc phong và chuyển tên từ làng thành đình. Chuông được gióng một năm một lần vào ngày 16/1. Sau chánh điện là sân rất rộng gọi là Thiên Quang Tỉnh (giếng trời). Đình Minh hương Gia Thạnh cũng là nơi tề tựu, gặp gỡ của nhóm Bình Dương thi xã, sáng lập bởi Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, với nhiều nhân sĩ đến đây để ngâm thơ, xướng họa vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.

Chùa Ngọc Hoàng - Quận 1 Sài Gòn
Chùa Ngọc Hoàng – Quận 1 Sài Gòn

Chùa Giác Lâm là ngôi chùa thuộc loại xưa nhất Sài Gòn. Chùa nằm ở Phú Thọ Hoà kế quận 5 (nay là đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình), vẫn còn giữ nguyên không thay đổi nhiều sau bao năm từ lúc thành lập. Chùa được cư sĩ người Minh hương tên là Lý Thụy Long xây dựng vào năm 1744 ở vùng thanh vắng nhiều cây cối không xa chùa Cây Mai và Gò cây mai, một nơi thanh lam thắng cảnh của Gia Định mà Gia Định thi xã của Trịnh Hoài Đức thường hay nhóm họp làm thơ. Lý Thụy Long có tên riêng là Cẩm, chuyên nghề đan đệm bán nên người địa phương gọi là ông Cẩm Đệm. Vì thế chùa còn có tên là Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm. Năm 1772 hòa thượng Viên Quang tới trụ trì, từ đó mới đổi tên chùa là Giác Lâm. Khi xưa lúc chùa được xây dựng như một cái am, xa cư dân, rất thanh vắng, cây cối rậm rạp, thích hợp cho sự tu dưỡng, tu hành. Trong quyển Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã miêu tả cảnh chùa như sau: “Chùa toạ lạc trên gò Cẩm Sơn, cách phía Tây lũy Bán Bích ba dặm…, cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà nhã thú!…”. Chùa hiện nay được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Chùa Giác Lâm

Nghề làm gốm là nghề tiểu công nghiệp lâu đời, bắt đầu từ khi người Minh hương đến định cư ở xứ Đồng Nai. Hiện nay ở tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, đa số các chủ lò gốm là do người Việt gốc Hoa, hay Minh hương đảm trách. Họ đã làm nghề này cha truyền con nối bao nhiều đời cho đến nay. Đây là hai trung tâm gốm sứ lớn nhất Nam bộ với nhiều thợ, nghệ nhân người Hoa. Vào thế kỷ 18, đã tồn tại một trung tâm gốm sứ mang tên Xóm Lò Gốm ở vùng quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh (phía Chợ Lớn). Xung quanh vùng này còn có nhiều địa danh như Lò Rèn, Xóm Lò Siêu, xóm Lò Gạch… Địa bàn xóm Lò Gốm xưa khá rộng, gồm các làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định-Phú Lâm (quận 6), Phú Giáo-Gò Cây Mai (quận 11) trải dài đôi bờ kênh Ruột Ngựa, kênh-rạch Lò Gốm. Những con kênh này là tuyến đường giao thông chính của khu vực Chợ Lớn, dùng ghe xuồng chở hàng sản xuất đến các tỉnh miền Tây.

Gốm vùng Saigon-Gia Định-Đồng Nai ở thế kỷ 18,19 và 20 nổi tiếng có đặc thù riêng và nổi tiếng tốt mà nhiều nhà văn hóa sử, khảo cổ trước đây gọi là gốm “Cây Mai” (được biết đến qua những gốm xưa tìm được ở gò Cây Mai và khu vực đường Cây Mai, Chợ Lớn) nay được xếp loại và gọi chung là gốm Biên Hòa, Saigon. Ngày nay chỉ còn lại di tích lò gốm Hưng Lợi thuộc làng Hòa Lục (phường 16 quận 8), gần làng Phú Định, nằm ven kênh Ruột Ngựa, của xóm Lò Gốm xưa. Cuộc khai quật năm 1997-1998 đã tìm thấy tại đây phế tích 3 lò gốm, trên một gò lớn chứa đầy mảnh gốm của các loại lu, khạp, siêu, chậu.. (15) Ngày nay những nơi còn tiếp tục truyền thống gốm cổ truyền của người Hoa hiện nay còn rõ nhất ở những lò làm lu gốm ở Biên Hòa hoặc ở khu vực Q.9 TPHCM (Thủ Đức cũ, gần Công viên Văn hóa dân tộc đang xây dựng), và một số cơ sở nhỏ sản xuất đồ gốm gia dụng ở vùng Lái Thiêu.

Ngoài ra, anh hưởng văn hóa mà người Minh Hương để lại sâu đậm nhất trong đời sống Nam bộ là ngôn ngữ. Tiếng Việt miền Nam được lưu dân Minh hương và Hoa mang vào bổ xung cho tiếng Việt thêm phong phú. Theo Bình Nguyên Lộc, những từ sau có nguồn gốc Minh hương (19).

Các từ gốc Triều Châu

Lẩu : Có nguồn gốc từ lẩu là một món canh của Triều Châu, đựng trong một thứ bát đặc biệt bằng Laiton.
Tía : Chính các chú rể Triều Châu, lưu vong nhà Minh đã đưa ra danh từ Tía vào Nam, và bị ta hiểu là Cha.
Hên : Do Hưng. Triều Châu đưa vào và họ đọc là Hinh thì đáng lý ta phải viết là Hênh.
Xui : Tiếng nầy đất Bắc có nhưng vay mượn lâu đời hơn và nói là Xúi Quẩy. Do chữ Suy mà ra, đọc theo Triều Châu, Hên Xui = May Rủi.
Khổ Tai : Một món ăn khác mà dân miền Nam rất ưa và họ gọi là KHỔ TAI. do người Triều Châu đọc Hô Tai (Hải Táo), một thứ rong biển mà họ nấu với đường để bán cho dân miền Nam ăn.

Các từ gốc Quảng Đông

Xí Mụi : do Quảng Đông gọi Xíu Mụi, chữ Nho là Tiêu Mai.
Công xi: Công Ty, do Quảng Đông đưa vào.
Hủ tiếu : Không biết chữ ra sao, nhưng do Quảng Đông đưa vào, họ nói là Phải, không hiểu sao ta lại biến thành Hủ Tiếu.
Xíu Mại : Không biết chữ nghĩa ra sao, nhưng đa số các món ăn đều do Quảng Đông đưa vào.
Chạp Phô : Chỉ là Tạp hóa. Nhưng chính người Quảng Đông lại cho nó cái nghĩa hạn chế là thực phẩm: trứng vịt, tôm khô, cá khô,v.v. còn các cửa hàng bán các thứ khác cũng tạp nhạp lại không được gọi là chạp phô.
Giò Chá Quảy: Thật đúng là Dầu chá quảy tức con quỷ nướng trong dầu, chỉ loại bánh bột mì chiên mỡ.
Ly : Cốc bằng pha lê, người Quảng Đông gọi là Pò Lý Púi, tức Pha Lê Bôi, ta nuốt hết, chỉ chừa lại Lý và đọc là Ly.
Xì Thẩu : Chữ Nho là Sự Đầu, chủ sự, nhưng bị ta hiểu là Ông chủ.

Điều này cho ta thấy miền Nam ban đầu chịu ảnh hưởng nhiều của phong tục, sinh hoạt, tập quán người Minh hương.

Tác giã : Nguyễn Đức Hiệp


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop