Trong lịch sử tân nhạc Việt, dường như không có một nhạc sĩ nào nổi tiếng ngay với sáng tác đầu tay, ở tuổi niên thiếu, khi chỉ mới 14, 15 tuổi, như trường hợp Cung Tiến. Có dễ chính vì thế mà, có người không ngần ngại gọi hiện tượng Cung Tiến là thiên tài của bộ môn nghệ thuật này.
- Lăng Ông Bà Chiểu trong tâm linh người Hoa
- “Dễ thương dễ sợ”, câu nói cửa miệng của dân Sài Gòn
- Tìm lại tác giả phù điêu chợ Bến Thành
Nhạc sĩ Cung Tiến tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh ngày: 27-11-1938 tại Hà Nội, học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng là Thẩm Oánh và Chung Quân tại hai trường Trung học Chu Văn An và Nguyễn Trải.
Với hai sáng tác đầu tay bất hủ Thu vàng và Hoài cảm viết từ khi mới lên 13-14 tuổi, nhạc sĩ Cung Tiến được nhiều người ca tụng là thần đồng âm nhạc dù ông xuất thân từ một gia đình không ai có năng khiếu âm nhạc.
“Cụ thân sinh tôi là một nhà thơ, một nhà cách mạng. Ông theo Việt Nam Quốc dân Đảng, không có ai dính vào âm nhạc nhất là âm nhạc mới, không có ai cả,” nhạc sĩ Cung Tiến nói với đài VOA.
Tuy nhiên, bản thân ông đã bắt đầu sinh hoạt văn nghệ thời còn là học sinh tiểu học, đi học hát trong nhà thờ, hát trong các ca đoàn Công giáo và được giao điều khiển ban hợp ca của các trường khi lên tới trung học.
“Thời trung học có tổ chức những đại hội học sinh toàn thành. Hồi kỷ niệm thành lập Việt Nam Cộng hòa năm thứ hai của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm thì có đại nhạc hội học sinh toàn thành của các trường trung học Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương, Petrus Ký, Marie Curie, thành lập Ban Hợp ca và tôi điều khiển ban hợp ca đó, vào năm 1956,” nhạc sĩ Cung Tiến tâm sự.
Từ nhỏ, ông từng học thổi sáo, biết chơi đàn mandoline, đàn guitar cổ điển trước khi làm quen với đàn piano lúc qua Úc du học về nghành kinh tế Trong khoảng thời gian 1957 tới 1963.
Trong những năm từ 1970 tới 1973, khi Cung Tiến nhận được một học bổng cao học về kinh tế, của British Council để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại Ðại Học Cambridge, Anh quốc; ông cũng đã ghi tên tham dự các lớp về nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại…
Các bản nhạc đầu tay của ông đã đi sâu vào lòng người hâm mộ như Thu Vàng, Hoài Cảm, hoàn toàn xuất phát từ trí tưởng tượng, không dính líu đến đời thật của ông. Cung Tiến sáng tác rất ít và phần lớn các tác phẩm của ông đều viết sau 1954, trừ hai bài nêu trên ông viết năm 1953 khi mới 14-15 tuổi. Tuy nhiên, các ca khúc này lại thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến bởi chúng có cùng phong cách trữ tình lãng mạn… Sau này, phần lớn những nhạc phẩm của nhạc sĩ Cung Tiến là những bài thơ được ông thổi vào giai điệu du dương.
“Viết lời ca khi hồi còn trẻ. Sau này mình không có hứng, không có dịp để viết lời ca thường nữa. Phần lớn tôi phổ thơ của Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền. Thanh Tâm Tuyền tôi phổ nhiều lắm. Ngoài tập 10 bài thơ viết trong tù cải tạo, tôi còn phổ những bản trước khi ông vào tù, khi còn ở Sài Gòn như bản Lệ đá xanh, Đêm…,” ông giải thích.
Cung Tiến chưa hề về Việt Nam và từ khi sang Mỹ ông không viết bản nhạc nào về Việt Nam ngoài Hoàng Hạc Lâu, phổ thơ của Vũ Hoàng Chương dịch bài thơ của Thôi Hiệu đời Đường, tác phẩm duy nhất của ông có “dính líu” với Việt Nam sau ngày miền Nam Việt Nam sụp đổ năm 1975.
Sau khi đậu Tú tài hai, nhạc sĩ Cung Tiến được học bổng Colombo sang Úc học về môn kinh tế trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1965. Dịp này, ông tham dự các lớp học về âm nhạc phương Tây tại Viện Âm nhạc Sydney.
Từ năm 1970 đến 1973, ông được học bổng của Hội đồng Anh (Bristish Council) để nghiên cứu về kinh tế tại trường đại học Cambridge. Trong thời gian đó, ông trau dồi thêm về âm nhạc bằng cách tham dự các lớp về nhạc học, lịch sử âm nhạc và nhạc lý hiện đại. Cho nên về sau này, phong cách sáng tác của ông khác hẳn những bản nhạc thời học sinh mà ông gọi là “nhạc phổ thông”. Thay vào đó là những tác phẩm mà ông gọi là “ca khúc nghệ thuật.”
Ra hải ngoại Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh Phụ Ngâm năm 1987, soạn cho 21 nhạc khí, trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3 năm 1988, tại San Jose, California, với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh 1988…
“Về sau tôi sáng tác nhiều tác phẩm khác được chơi ở bên Mỹ rất nhiều, nhất là tập tổ khúc (Suite) Chinh Phụ Ngâm. Tổ khúc giống như một symphonie nhưng nhỏ hơn, viết cho dàn nhạc đại hòa tấu. Dựa vào những tình tứ, tình cảm trong tập thơ đó, tôi viết thành một tổ khúc ba phần. Không phải tôi phổ nhạc. Không phải tôi phổ thơ Chinh Phụ Ngâm. Tôi dựa vào tình tiết, cảnh tượng trong Chinh Phụ Ngâm mà viết thành một tổ khúc cho dàn nhạc đại hòa tấu,” ông chia sẻ.
Theo dõi sinh hoạt sáng tác của Cung Tiến, kể từ sau biến cố 30 tháng 4, 1975, ở hải ngoại, người ta được biết, ông dành nhiều thì giờ hơn cho việc sáng tác – Từ phổ nhạc thơ, cho tới những công trình nghiên cứu dân ca Việt, nghiên cứu hình thái đặc thù của truyền thống Quan Họ Bắc Ninh, v.v…
Bên cạnh lãnh vực âm nhạc, Cung Tiến cũng đóng góp nhiều cho lãnh vực văn học thuộc giai đoạn 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam. Với bút hiệu Thạch Chương, ông từng cộng tác với các tạp chí Sáng Tạo, Quan Ðiểm, và Văn. Hai trong số những bản dịch thơ văn của Cung Tiến dưới bút hiệu Thạch Chương, được nhiều người biết tới thời trước 1975 ở Saigon là Hồi Ký Viết Dưới Hầm của Dostoievsky, và cuốn Một Ngày Trong Ðời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn.
Nhạc sĩ Cung Tiến cũng từng là một viên chức cao cấp của Việt Nam Cộng hòa. Ông là một trong ba Tổng Giám đốc trụ cột của Bộ Kế hoạch trước năm 1975.
1953: Sáng tác hai nhạc phẩm bất hủ Thu Vàng và Hoài Cảm từ lúc còn rất trẻ.
1957-1963: Du học ở Úc Châu ngành Kinh tế, đồng thời học thêm về dương cầm, hòa âm, đối điểm, phối cụ tại Nhạc viện Sydney.
1964-1970: Viết nhận định, phê bình văn học, dịch thuật cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan Điểm, Văn với bút hiệu Thạch Chương.
Dịch giả hai tác phẩm nổi tiếng của văn hào Nga: Hồi Ký Viết Dưới Hầm của F. M. Dostoevsky và Một ngày trong đời Ivan Denisovitch truyện của A. Solzhenitsyn.
1970-1973: Nhận học bổng cao học của British Council để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại Cambridge, Anh Quốc và tốt nghiệp kinh tế học tại đó; đồng thời dự các lớp nhạc sử, nhạc học và nhạc lý.
1975: Định cư tại Hoa Kỳ, làm việc trong Bộ An Ninh Kinh Tế Tiểu Bang Minnesota.
Đầu thập niên 80: phổ nhạc Vang Vang Trời Vào Xuân từ thơ viết trong tù của Thanh Tâm Tuyền, trình bày lần đầu tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn năm 1985.
1987: Sáng tác tấu khúc Chinh Phụ Ngâm, soạn cho 21 nhạc khí, trình diễn lần đầu tại San Jose, California, ngày 27-3-1988; trình diễn lần sau tại Minnesota ngày 11-11-1989.
1992: Phổ nhạc bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên, gồm hát, dẫn đọc, ngâm với đội nhạc cụ thính phòng.
1993: Nhận tài trợ của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc Quan họ Bắc Ninh, các thể loại dân ca Việt Nam và soạn Tổ Khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng.
1997: Soạn bản hợp ca cho ca đoàn Dale Warland Singers (Minnesota), nổi tiếng quốc tế, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ca đoàn.
1999: Đêm nhạc Cung Tiến tại rạp Ebel Theater, Santa Ana, California, do dàn nhạc thính phòng của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ tổ chức (ngày 4 tháng 12).
2003: Sáng tác nhạc đương đại Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành dựa trên điệu dân ca Quan họ.
2010: Đêm nhạc “Vết Chim Bay” do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức (ngày 10 tháng 7) tại rạp La Mirada Theater, Nam California – với một số nhạc phẩm tiêu biểu của Cung Tiến cùng dàn nhạc giao hưởng của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ. Hai tuyển tập Vang Vang Trời Vào Xuân và Hoàng Hạc Lâu cũng được ra mắt 2 hôm trước đó.
Tổng hợp và theo Hà Vũ (VOA)