Thương xá TAX – nạn nhân của hành xử “giới hạn tầm nhìn”

11/09/2016
8 phút đọc
1.9K views
THƯƠNG XÁ TAX

Thương xá Tax, suy cho cùng cũng chỉ là nạn nhân của một tầm nhìn hạn hẹp về các giá trị văn hóa – lịch sử. Không ai biết nó hữu dụng như thế nào về giá trị giáo dục, kinh tế cho đến khi mất đi.

Phá bỏ hay giữ lại?
Sài Gòn – một trong những địa chính của Pháp thời kỳ chiếm đóng và đô hộ Việt Nam. Ngày nay được biết đến như một trung tâm chính của nền kinh tế Việt Nam.
Lượng khách du lịch đến với Sài Gòn ngày một tăng, không chỉ bởi Sài Gòn mang trong mình nét văn hóa tứ xứ vùng miền, mà cả những giá trị hiện vật về mặt lịch sử còn tồn tại đến ngày nay, nhất là các kiến trúc Pháp.

Thương xá TAX

Nhắc đến vùng đất này, người ta nghĩ ngay đến nhà thờ Đức Bà, bưu điện trung tâm hay thương xá Tax… Tất cả trở thành dấu ấn, linh hồn, giá trị thời gian biểu trưng từ tranh ảnh, đến tâm khảm người dân. Đùng một cái, tuyến Metro phục vụ cho nền kinh tế sôi động này xuất hiện. Và thương xá Tax, một biểu tượng của thời gian sẽ bị phá bỏ. Vì lý do kinh tế, vì sự phát triển của thành phố 10 triệu dân và là đầu tàu của cả nước.
Khi ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị thành phố, tỏ ra tiếc nuối, xót xa, hẳn đó là cảm xúc thực của ông, nhưng nó sẽ không bồi đắp được sự mất mát trước về một biểu tượng về lịch sử. Nhất là khi thành phố ngày càng một vắng bóng các giá trị cổ xưa.
Dù vì lý do chính trị hay kinh tế, thì suy cho cùng, thương xá Tax hay hàng trăm ngàn hiện vật văn hóa – lịch sử còn sót lại trên mảnh đất hình chữ S cũng chỉ là nạn nhân của cách hành xử và ít nhiều biểu hiện của tầm nhìn.
Cách hành xử lẫn tầm nhìn đó đã khiến không ít di tích, hiện vật lịch sử – văn hóa cấp tỉnh đến quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng đến xóa bỏ bằng cách đập nát, trùng tu bằng tư duy hiện đại với xi măng, cốt thép và độ lớn hoành tráng với các dị vật lân kì, rồng phượng như đã từng xảy ra với đình cổ Quang Húc, chùa Sổ, chùa Một Cột, chùa Dơi, làng cổ Đường lâm, di tích Lam Kinh, đền Đô, thành nhà Mạc, Đàn Nam Giao, thành nhà Hồ, chùa Phật Tích, chùa Trăm Gian, đình Ngu Nhuế, hệ thống biệt thự Pháp ở Đà Lạt, Hà Nội, di tích thánh địa Mỹ Sơn…
Hoặc rơi vào tình trạng đào lên – vứt đó một cách thê thảm như hoàng thành Thăng Long, một di tích đặc biệt quan trọng, và là di sản văn hóa thế giới (năm 2010). Nhưng từ khi phát tích cho đến nay (2014) lại được ưu ái ngâm mưa, ngâm nắng, đến nỗi nhiều người phải xót xa mà thốt lên: Nếu không làm được thì đừng đào lên, hãy lấp cát và giữ lại cho thế hệ sau.

Thương xá TAX

Học tầm nhìn và cách ứng xử
Các giá trị hiện vật lịch sử – văn hóa được xem như một thông điệp của quá khứ (Imbued with a message from the past, the historic monuments of generations of people remain to the present day as living witnesses of their age-old traditions, Hiến chương Venice 1964). Nhưng tại Việt Nam, chúng dần bị biến mất dưới nhiều hình thức, tỉ lệ nghịch với thái độ xông xáo khi xin cấp chứng nhận di tích/ di sản.
Biến mất không phải vì độ bào mòn về mặt thời gian, mà vì ý thức của những người làm trong công tác tìm kiếm, bảo tồn, quản lý văn hóa, lịch sử.
Ý thức đó khiến không biết bao nhiêu hiện vật bị đưa bán ra nước ngoài, bị phá bỏ cho mục đích kinh tế hay thậm chí bị xóa sổ từ cung cách đào lên – để đó – lấp lại.
Cách ứng xử đó không khác lắm về mặt bản chất như việc tượng Phật ở Afghanistan khi bị quân Taliban đánh sập (2001), hay các đình chùa, miếu mạo bị phá bỏ không thương tiếc trong thời kỳ đả thực bài phong ở Việt Nam.

Thương xá TAX

Rồi đây, kinh tế có “lên” hay không thì chưa biết. Nhưng các giá trị văn hóa – lịch sử dần dần mất đi, các biểu tượng sẽ xếp hàng chờ ngày “hành quyết”. Hiếm có ai nghĩ đến các giá trị mà nó mang lại trong hiện tại lẫn tương lai.
Bởi ít có nhà quản lý nào ở nước ta có được cái tầm nhìn sâu rộng để đưa đến cách ứng xử trân trọng với các giá trị đó nhằm tìm thấy sự hữu dụng trong giáo dục và kinh tế.
Hội An có lẽ may mắn hơn so với thương xá Tax và nhiều những hiện vật, di tích lịch sử – văn hóa khác ở Việt Nam. Vì nó được một người ra sức bảo vệ, bảo tồn. Người đó là ông Nguyễn Sự – Bí thư thành ủy Hội An. Ông là người vượt lên trên cái nhìn hạn hẹp trong bối cảnh lịch sử lúc đó, để giữ được một đô thị cổ Hội An và là di sản thế giới như ngày hôm nay.
Hành trình để cứu lấy các di sản văn hóa đó là cuộc hành trình đơn độc nhưng đầy quyết tâm giữ gìn cho bằng được của ông Nguyễn Sự thời kỳ đầu. Vượt ra khỏi cái quy luật “vì lý do kinh tế”.
Để rồi, Hội An giờ đây trở thành nơi hút khách du lịch, cũng bởi cái chất cổ xưa của nó, bởi giá trị văn hóa – lịch sử còn được bảo tồn và chính cái phố cổ ấy đã đóng góp không nhỏ cho ngân sách thành phố.

Thương xá TAX

Rõ ràng, cái cách hành xử với các giá trị văn hóa – lịch sử của ngày hôm nay thể hiện cái tầm nhìn xa về giá trị trong tương lai.
Vì thế, nếu vì cái lợi trước mắt mà các nhà quản lý đối xử rẻ rúng với các hiện vật lịch sử như đã từng đối xử với đoàn tàu leo núi ở Đà Lạt. Để rồi, phải ôm hận vì cách hành xử đó.
Thương xá Tax hay Hội An, cũng chỉ là cách biểu hiện ngắn hay dài, thiển cận hay xa về tầm nhìn mà thôi.

Theo Lê Tuấn


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop