Phim Sau Giờ Giới Nghiêm phóng tác theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mai Thảo.
Câu chuyện về một cô gái nghèo, vai được nghệ sĩ Thanh Nga đảm nhiệm, có nhiều tham vọng muốn thay đổi thân phận nên cuối cùng phải trả một giá rất đắt.
- Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng
- Nhạc Sĩ Cung Tiến – Nghệ thuật nhạc phổ thơ
- Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn
Nhàn, một thiếu nữ nghèo sống trong ngõ hẻm tối tăm, mơ mộng thoát ra đường lớn huy hoàng. Nhàn từ chối mối tình chân thật của Sinh, thợ sửa xe đạp, chạy theo sự phồn vinh giả tạo mà xã hội trưởng giả cố tình tạo ra để thu hút những con thiêu thân. Cuối cùng, tan nát cuộc đời, Nhàn muốn quay về ngõ hẻm cùng Sinh xây dựng hạnh phúc, nhưng đã muộn.
Các nhân vật nữ trong phim đều là những phụ nữ bất hạnh. Người thì đau khổ tận cùng đến lúc chết giữa tuổi thanh xuân. Còn Nhàn thì sau khi tan nát cuộc đời lại phải tiếp tục sống để cố tìm lại hạnh phúc đã mất.
Trong phim, Thanh Nga tỏ ra vững vàng ở những lớp đài các và bi thảm, lấy biết bao nước mắt khán giả. Về tạo hình, khi Thanh Nga xuất hiện với áo bà ba bằng gấm và khăn buộc tóc nhìn rất dễ thương.
Đoàn Châu Mậu đã gây thích thú cho người xem phim qua phong cách thư thái trầm tĩnh rất điêu luyện của anh.
Phim Sau Giờ Giới Nghiêm được trình chiếu tại 12 rạp lớn trong đô thành, kể từ ngày 9/5/1972. Tuần đầu phim này được chiếu ở 6 rạp: Rex, Văn Hoa, Đakao, Nguyễn Văn Hảo, Khải Hoàn, Victory và tuần lễ thứ nhì phim này được chiếu ở 6 rạp khác…
Sau Giờ Giới Nghiêm được báo chí ngợi khen là một bộ phim tình cảm đã thành công từ màu sắc, âm thanh, ánh sáng. Đạo diễn Lê Dân đã làm sáng chói Thanh Nga từ đầu đến cuối. Phim cũng được các nhà phê bình phim cho là nâng cao bảng hiệu Liên Ảnh Công Ty và là phim màu có giá trị gây uy tín cho phim Việt Nam.
“Đây là lần đầu tiên phim Việt Nam được chiếu tại nhiều rạp liên tục trong hai tuần như vậy. Giới điện ảnh Việt Nam đang thừa thắng xông lên, và việc bộ phim Sau Giờ Giới Nghiêm của Liên Ảnh Công ty trình chiếu ở 12 rạp lớn, được coi như mở đầu kỷ nguyên tươi sáng của làng phim” (trích Báo Nghệ Thuật Mới – 4/5/1972). Trong sự thành công đó có phần rất lớn của Thanh Nga.
Nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng là người góp thêm phần thành công khi viết nhạc phim Sau Giờ Giới Nghiêm.
Có cảnh Thanh Nga bị người vợ lớn của Mẫn (nghệ sỹ tiền phong Bích Thuận thủ vai) cho em út đánh ghen rồi đem vất ra lề đường. Cơn mưa làm cô tỉnh lại, thất thiểu đi về con hẻm cũ, ngó thấy cô bạn gánh nước mướn ngày xưa sống với cái hạnh phúc tầm thường, biết an phận, cô gái buồn bã bỏ đi trong giờ giới nghiêm. Nhạc nổi lên với giọng ca nức nở của Thái Thanh bài Đường Dài Một Bóng. “Đàn lỡ ngay từ phím tơ đầu tiên…Hạnh phúc không như giấc mơ triền miên…Đêm ngơ ngác một mình ai…Đường dài một bóng âm thầm….“. Một nét diễn khó quên!
Phim màu, 35mm, màn ảnh rộng, dài 1 giờ 30 phút.
Sản xuất: Liên Ảnh Công Ty.
Giám đốc sản xuất: Lưu Trạch Hưng và Quốc Phong.
Kịch bản và đạo diễn: Lê Dân.
Quay phim: Châu Tùng.
Âm nhạc: Hoàng Trọng.
Diễn viên: Thanh Nga (Nhàn), Trần Quang (Sinh), Đoàn Châu Mậu (Mẫn), Ngọc Minh (Hoa), Ngọc Phu (Hoạch), Bích Thuận (Vợ Mẫn), Bà Năm Sa Đéc, Thùy Liên, Nguyên Hạnh, Bé Bự, Hoài Phong…
© Tác giả : Lê Quang Thanh Tâm