Nhâm nhi đôi chút về bánh mì Sài Gòn

03/10/2020
10 phút đọc
2.9K views
Bánh Mì Saigon

Trong các loại bánh của Nam Kỳ mình thì bánh mì không phải của bổn địa, nó là bánh của người Pháp mang theo vào sau 1859.

Trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Đồ Chiểu năm 1861, ta thấy ông đồ lên án cái “tội” ngoại lai ăn bánh mì của giặc có hai câu như sau:

Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn
Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.

Phan Bội Châu năm 1939 còn chửi bánh mì nè:

Mì kia gốc phải nước mình không?
Nghe tiếng rao mì thốt động lòng
Chiếc bánh não nùng mùi đất lạ
Bát cơm đau đớn máu cha ông
Văn minh những vỏ chưng ba mặt
Thấm thía tim gan lệ mấy dòng
Nhớ lại sáu mươi năm trở ngược
Say mì lắm kẻ bán non sông

Nhưng trong một bài thơ năm 1933 ông lại thương người bán bánh mì dạo trong đêm khuya.

Sao ông ăn hiếp mãi thằng bần
Gió táp mưa sa chọc tấm thân
“Ai ăn bánh mì không?”… rao rát miệng
Đường bùn lầy quá bước chồn chân
Trương liều tấc bụng cho trời thấy
Bấm chặt đôi giò kẻo đất lăn
Đành tủi cho em nhưng chẳng tủi
Xưa nay hào kiệt vẫn gian tân

Bánh Mì Saigon
Sài Gòn 1967

Bánh mì theo chân người Pháp đến Sài Gòn đầu tiên, xuống Nam Kỳ Lục Tỉnh rồi từ từ làm quen với dân và thành bánh bình dân.
Bánh mì Pháp có cái tên rất hàn lâm là Boulangerie, cái tên “La Boulangerie Francaise” có nghĩa là lò bánh mì Pháp. Người Nam Kỳ có thể kêu bánh quy bơ, bánh Donut, bánh Macaron… là bánh Tây, nhưng phải kêu cái bánh dài dài là bánh mì, trong khi Bắc Kỳ thời đó kêu bánh mì là bánh Tây.
Cái này để khẳng định cái danh “Bánh mì Hà Nội” là cái ăn theo của bánh mì Sài Gòn.
Bánh mì Sài Gòn là bánh mì theo kiểu Pháp, thông dụng nhứt là bánh mì baguette nhỏ, dài. Rồi bánh mì pathé chaud, bánh mì croissant, bánh mì pain de campagne và pain complet.
Còn có những loại bánh mì hình tròn, hình bầu dục gọi tên là le pain rond, le complet, le bâtard, nhưng dân Nam Kỳ vẫn thích bánh mì dài sọc trăm năm nay.
Nam Kỳ kêu cái chỗ làm bánh mì là “lò” bánh mì, kêu bánh mì là “ổ” bánh, bánh mì ổ, một ổ, hai ổ.
Cái ổ bánh mì giống như ổ bánh bông lan, tức là bằng bột mì, có ruột mềm ở giữa và vỏ bên ngoài.

Trong tiểu thuyết “Những kẻ khốn khổ” của Victor Hugo, Jean Valjean là một thanh niên nghèo sống cùng người em gái đã góa chồng đang nuôi bảy đứa con nhỏ.
Anh không có vợ con, làm thuê qua ngày để nuôi các cháu, rồi có ngày thất nghiệp các cháu anh đã phải nhịn đói mấy ngày, Jean Valjean đã đến tiệm bánh mì ăn cắp một miếng bánh mì nhỏ đem về cho các cháu ăn nhưng đã bị bắt và ở tù.

Hồ Biểu Chánh chuyển thể qua thành “Ngọn cỏ gió đùa”, vì bánh mì không phải món ăn chánh của Nam Kỳ nên ông cho Lê Văn Đó ăn trộm cái chả cháo heo của nhà bá hộ Cao.

Đọc “Lời thề trước miếu” ta biết năm 1938 một ổ bánh mì ở Cần Giuộc có giá hai xu.

Ba cắc bạc mà nhiều nhỡ gì! Em đói bụng hôn? Như đói thì ăn bánh đây, muốn ăn bánh ú hay bánh bò thì ăn đi.
– Trưa hôm qua em có ăn một ổ bánh mì nhỏ hai xu. Chiều hôm qua em không có ăn vật gì hết.
– Nếu vậy thì em đói lắm. Thôi, ăn ít cái bánh ú mà dằn bụng

Bánh Mì Saigon
Sài Gòn 1967

Đọc cuốn “Người thất chí” cũng bối cảnh năm 1938, bánh mì ở vùng ven Sài Gòn có giá 3 xu một ổ.

Đã hai tháng rồi cháu kiếm không được việc làm. Nếu cháu ăn cơm với bà hoài, tự nhiên phải xin tiền nhà mà trả, làm như vậy thì bà già cháu còn tiền đâu mà xài cho đủ. Vậy cháu xin bà kể từ ngày nay cháu không lại ăn cơm nữa. Số tiền cơm hai tháng rồi, hễ 15 tây tháng tới bà già cháu gởi lên, thì cháu trả cho bà liền.
– Cậu không ăn cơm ở đây nữa rồi cậu ăn ở đâu?
– Thưa không hại gì. Cháu mua bánh mì ăn sơ sài mỗi bữa cũng được.
– Ý! Ăn như vậy chịu sao nổi. Ăn thất thường lâu ngày phải mang bịnh chớ phải chơi đâu.
– Thưa được.
– Mà tôi coi thế cậu không có tiền, cậu lấy gì mua bánh mì mà ăn?
Cháu còn được ít cắc, chừng nào hết cháu sẽ mượn tiền của anh Trinh cháu xài.
(…)”
Đến tối, chàng khóa cửa bước ra ngoài đường đi thơ-thẩn, gặp một đứa nhỏ bán bánh mì, chàng mua một ổ ba xu, rồi thủng-thẳng đi xuống mé sông ngồi trên bực thạch mà ăn; ngó trời, ngó nước im lìm, ngó xe, ngó người náo-nức, mà chắc tại trong trí chàng đương bối-rối, nên không để ý đến vật chi hết.
Có lẽ ăn bánh mì rồi khát nước, nên lối 8 giờ chàng bươn-bả trở về nhà. Chàng mở cửa vặn đèn, uống một hơi tới hai ly nước lạnh; rồi ngồi lại bàn viết lấy giấy mà viết. Viết tới 3 giờ khuya, chàng mới chịu đóng cửa tắt đèn đi ngủ.

Bánh Mì Saigon

Trong “Tơ hồng vương vấn” ta thấy dân Nam Kỳ nhét lạp xưởng vô ổ bánh mì mà ăn từ xưa rồi.
Cái này bác bỏ dư luận cho rằng bánh mì nhét thịt đầu tiên ở Sài Gòn là tiệm bánh mì của người Bắc di cư tên là Hòa Mã ở ngã tư Cao Thắng – Nguyễn Đình Chiểu.

Vĩnh Xuân lên chợ ăn một tô cháo Quảng Đông no cành, mua hờ một ổ bánh mì, rồi thả theo mé sông mà chơi. Châu thành Mỹ Tho lớn hơn Gò Công, buôn bán thạnh hơn, mà dân cư cũng đông hơn. Quang cảnh thì vui, nhưng vì ban đêm, lại xứ lạ, Vĩnh Xuân không dám đi xa, đi tới nhà ga xe lửa rồi trở lại đò mà nghỉ.
Sáng ngày sau, Vĩnh Xuân lên bờ mua một cặp lạp xưởng xuống ăn với ổ bánh mì mua hồi hôm rồi kêu xe kéo và từ giã chủ đò với hai chị bán trái cây, chở rương đi vô trường

Trong “Ái tình miếu” ta thấy dân Nam Kỳ ăn bánh mì nhét pâté.

Hồi nãy em có lấy bỏ túi đem theo một hộp pâté với hai ổ bánh mì nhỏ đây”
Trong “Người thất chí” cho ta thấy bánh mì ở trước chợ Bến Thành có giá 4 xu một ổ, tức mắc gấp đôi giá thị trường.
Và dân Nam Kỳ ăn bánh mì với thịt xá xíu.

Về tới chợ mới Bến Thành, Phụng ngó đồng hồ gắn trên đầu chợ thì thấy đã 4 giờ rưỡi. Chàng mua một ổ bánh mì 4 xu với một cắc bạc thịt xá-xiếu, xin giấy gói lại kín đáo, rồi cầm đi qua đại-lộ Galliéni mà về nhà”.

Bánh mì là món ăn chơi của dân Nam Kỳ, không thể thế cơm, thành ra bánh mì thường bán sáng sớm và buổi chiều cho dân ăn sơ sịa lưng lưng cái bụng thôi.
Nhà nghèo ăn bánh mì không, uống nước lạnh óc ách no bụng là đi làm.
Người Sài Gòn thường ăn sáng với bánh mì kèm theo hột gà ốp-la (oeuf sur le plat), trứng ốp-lết (omelette) hoặc trứng la-cót (oeuf à la coque)
Bánh mì ngày nay là một món thông dụng ở Việt Nam
Nhưng quan trọng là người Việt ta đã biết làm nó thành bánh mì kiểu của mình khi nhét vô đó nào là thịt, cá, xá xíu, lạp xưởng, chà bông, chả lụa, xíu mại, rau củ… ngon không thể tưởng tượng.
Cái thứ bánh dài, giòn rụm và thơm mùi bột mì mới chín, mùi bơ trét bên ngoài đó đã thành một thứ quà đô thành bình dân mà sang trọng khi đi từ Sài Gòn về quê, ghé Phú Lâm, bến xe mua vài ổ làm quà về quê.
Tiếng rao “Bánh mì Sài Gòn mới ra lò nóng hổi vừa thổi vừa ăn, giòn rụm, thơm phức đây bà con ơi” vẫn còn đọng lại trong tâm trí những ai trót yêu xứ sở của mình.

Tác giã : Linh Huỳnh


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop