Lý giải tên gọi “Hòn ngọc Viễn Đông” của Sài Gòn xưa

24/12/2016
13 phút đọc
5.9K views
Saigon 1881

Trước tiên thử xét đến cụm từ “Hòn ngọc Viễn Đông”. Trong quyển sách France in Indochina: Colonial Encounters (Nước Pháp ở Đông Dương: các cuộc đụng đầu thuộc địa), xuất bản năm 2001, tiến sĩ Nikki Cooper, Đại học Bristol, giải thích quá trình Pháp chiếm Đông Dương làm thuộc địa như sau:
Quá trình thực dân hóa nhiều vùng lãnh thổ khác nhau mà sau này tạo nên xứ Đông Dương thuộc Pháp diễn ra trong nhiều năm. Người Pháp trước tiên chinh phục ở phần đất phía nam tại Nam kỳ trong thập niên 1860. Suốt 30 năm tiếp theo, nước Pháp đã vững vàng tiến lên phía bắc, chiếm thêm Trung kỳ, Bắc kỳ và cả Campuchia lẫn Lào. Các vùng đất này đã được chính thức gộp chung lại dưới tên gọi “Đông Dương thuộc Pháp” vào năm 1885.
Mong muốn tạo lập một đế chế thuộc Pháp tại Đông Nam châu Á ấy, đã phần nào tạo động lực ganh đua với đế quốc Anh. Đông Dương thuộc Pháp được dự kiến sẽ cạnh tranh với Ấn Độ thuộc Anh. Pháp tạo ra “Hòn ngọc Viễn Đông” để đối ứng với Ấn Độ mà Anh “tấn phong” là “viên châu báu trên vương miện”.
Như vậy cụm từ “Hòn ngọc Viễn Đông” đầu tiên sử dụng cho toàn cõi vùng đất Đông Dương, sau này không ít người ghép nó với danh xưng Sài Gòn là vùng đất đầu tiên người Pháp chiếm được ở Đông Dương giữa thế kỷ 19.
Danh xưng có lẽ muốn vừa nói đến thực chất tươi đẹp và thịnh vượng của Sài Gòn, cũng vừa mang tính chất tượng trưng lẫn định hướng phát triển.
Ý đồ ban đầu của thực dân Pháp là đầu tư mạnh mẽ vào Sài Gòn, có quy hoạch xây dựng phù hợp để thành phố này trở thành thủ phủ của Đông Dương; nhưng thật sự là không có căn cứ nào để nói Sài Gòn từng là thành phố được đánh giá số 1 của cả khu vực Đông Nam Á vào thời điểm đó.

Logo Huy Hiệu Saigon
Huy hiệu của Sài Gòn từ năm 1870, thời Pháp thuộc

Bừng sáng giữa vùng rừng ngập nhiệt đới

Xưng tụng Sài Gòn là “Hòn ngọc Viễn Đông” còn mang nhiều yếu tố tâm lý của khách lữ hành phương Tây.
Anh bạn kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn có lối lý giải khá độc đáo: “Sau chuyến hải hành kéo dài cả tháng trời, từ hải cảng Marseille miền nam nước Pháp qua Địa Trung Hải, xuyên kênh đào Suez vượt Ấn Độ Dương sóng to gió lớn, lách qua eo biển Malacca vào vịnh Ghềnh Rái, không khó để suy ra tâm trạng mệt nhọc, buồn chán của khách lữ hành, cả tháng ròng chỉ thấy trời và nước.
Cung cuối chặng đường khi trạng thái rã rời đã lên đến đỉnh điểm, chuyến hải trình theo sông Lòng Tàu xuyên qua rừng đước Cần Giờ, một thứ rừng ngập mặn nhiệt đới mà nhiều người châu Âu chưa gặp bao giờ, cảm giác xa lạ tưởng như càng đi càng xa thế giới văn minh phương Tây quen thuộc.
Trong tâm trạng cùng cực của cô đơn ấy, bỗng một chiều bừng sáng một thành phố mang nét phương Tây ngay khi tàu cập cảng Sài Gòn.
Ngủ khách sạn Continental, khách sạn Majestic, ăn thịt bò beefsteak, uống rượu chát vùng Bordeaux, thưởng thức xì gà La Habana, săn bò rừng, lấy da cọp, hút thuốc phiện và chơi gái xuân thì, với thủy thủ tàu viễn dương và đám thực dân đến từ Viễn Tây, Sài Gòn được ngợi ca là “Hòn ngọc Viễn Đông” đâu có gì lạ…

Như vùng đất hứa

Huy hiệu Sài Gòn đã nói lên ý hướng phát triển của thành phố thời thuộc địa Pháp. Huy hiệu (logo) đó khắc hình con cọp và cây cảnh Sài Gòn, dưới ghi câu tiếng Latin “Paulatim Crescam” (“Từ từ tôi sẽ phát triển lên”) do Hội đồng thành phố Sài Gòn duyệt năm 1870, làm phù điêu treo ở phòng khánh tiết Dinh xã Tây (Tòa thị chính Sài Gòn) vào năm sau đó. Từ ấy, Sài Gòn không chỉ phát triển từ từ, mà còn phát triển vượt bậc vào hàng nhất nhì trong số các thương cảng thuộc địa Pháp.
Thời gian này nước Pháp đang kinh qua đế chế Napoleon III với nhiều tham vọng thi đua cùng các cường quốc châu Âu khác như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ… chiếm lĩnh thuộc địa.
Ý đồ này càng mạnh mẽ hơn với sự trỗi dậy của tầng lớp tư sản công nghiệp thời cộng hòa khát khao các nguồn nguyên liệu, thị trường các năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Một khi đã chiếm lĩnh toàn bộ Đông Dương, người Pháp xây dựng Sài Gòn thành thủ phủ phía Nam, chủ yếu nhằm khai thác nguồn tài nguyên, nhân lực và thị trường rộng lớn một vùng đất gồm Đông Dương, Đông Nam Á và cả miền Hoa Nam của Trung Quốc. Sài Gòn đón nhận những con người năng động nhất đến từ khắp nơi, tìm cách làm giàu ở thương cảng lớn này.
Vết tích kiến trúc nhà cửa của họ hiển hiện khắp nơi: từ mạng lưới ngõ xóm của người Việt, nhà dãy dạng “shophouse” (nửa ở nửa buôn bán) của Hoa kiều Hong Kong, Singapore, Hoa Nam, phố “bazaar” (cửa hàng buôn và ở) của người Chà Chetty (Nam Ấn Độ), rồi người Java, Mã Lai, người Tagal (Philippines), phố Tây, đặc biệt là dạng villa vườn của người Pháp, người Bỉ, người Đức…
Sài Gòn từ thuở ban đầu đã được thể hiện như một khát vọng, một ý chí vươn lên của đế quốc Pháp.

Thế còn… vị thế của “Hòn Ngọc Viễn Đông” trong khu vực ?

Theo các hồ sơ lưu trữ cũng như các nghiên cứu kinh tế Châu Á suốt thế kỷ 20, GDP Việt Nam đều có vị trí rất thấp. Ví dụ, theo thống kê của hai giáo sư kinh tế học Jean-Pascal Bassino và Pierre van der Eng, từ 1913 đến 1970 kinh tế Việt Nam (cả miền bắc và miền nam) hầu như luôn thấp hơn Malaya (tiền thân của Malaysia với Singapore là thủ đô kinh tế), Philippines, Thái Lan (không có số liệu trước 1950).
Tùy thời điểm, GDP Malaya thường gấp đôi đến gấp 3 lần Việt Nam, thì lẽ nào thủ phủ kinh tế của nó chỉ là một làng chài nhỏ và mơ được như Sài Gòn!
Không phải cách đây 50 năm, mà là gần 90 năm (1922), một học giả Việt Nam nổi tiếng là ngài Phạm Quỳnh đã viết trong quyển “Pháp du hành nhật ký” về Singapore thế này:
Mặt trời mới mọc, trông vào bến Singapore, không cảnh gì đẹp bằng, như một bức tranh sơn thủy vậy. Lần này mới được trông thấy một nơi hải cảng là lần thứ nhất, thật là một cái cảnh tượng to tát. Cửa Hải Phòng, cửa Sài Gòn của ta kể cũng khá to, nhưng sánh với cửa Singapore này còn kém xa nhiều. Bến liền nhau với bể, chạy dài đến mấy nghìn thước, tàu đỗ không biết cơ man nào mà kể, tàu của khắp các nước đi tự Á Đông sang Ấn Độ và Âu Tây đều phải qua đấy…
Vào đến trong phố thời nghiễm nhiên là một nơi đô hội của người Tàu, chẳng kém gì thành phố Chợ Lớn. Phố xá đông đúc, san sát những hiệu Khách cả, có mấy dãy phố toàn những nhà tửu lâu khách sạn, ngày đêm tấp nập những khách ăn chơi, người đi lại…
Singapore có thể chia ra hai phần: một phần là phố Khách, một phần là phố Tây; phố Tây cũng sầm uất bằng phố Khách mà lại có cái vẻ nguy nga hơn. Phố Tây ở Singapore này có khác phố Tây ở các nơi khác, nhất là khác các phố Tây của người Pháp ở, như trong các thành phố ta; người Pháp ở đâu thì những nhà lầu to lớn phần nhiều là các dinh thự công sở của Nhà nước; người Anh ở đâu thì những nhà lầu to lớn là các cửa hàng, các hội buôn, các công ty, các ngân hàng. Những hàng buôn của người Anh ở Singapore thật là những lâu đài vĩ đại, có khi chiếm từng dãy phố dài. Ngoài các phố phường buôn bán, đến những nơi nhà ở riêng, làm theo lối “biệt thự” (villas) của người Anh, nhà xây ở chỗ đất cao, chung quanh vườn rộng, xe hơi chạy lùng khắp được. Những nhà ấy phần nhiều của người Anh, nhưng cũng có nhà của các chủ hiệu Khách lớn; ban ngày xuống phố làm việc, chiều tối về nhà riêng nghỉ. Xe hơi ở Singapore, thật không biết cơ man nào mà kể, nào xe riêng, nào xe thuê, cả ngày chạy như mắc cửi. Vào đến Sài Gòn, thấy xe hơi chạy đường Catinat đã lấy làm nhiều, nhưng xe hơi ở Singapore lại còn nhiều hơn nữa, và ở Singapore đường phố nào cũng như đường Catinat hết thảy.
Và rất may, chúng ta vẫn còn lời văn của một học giả khác, nổi tiếng hơn cả Phạm Quỳnh, đã mô tả Bangkok vào giữa thế chiến thứ 2. Ngài Trần Trọng Kim viết trong hồi ký “Một cơn gió bụi” của mình như sau:
Thành Băng Cốc, xưa kia thường gọi là thành Vọng-Các là kinh đô của nước Xiêm, một thành thị rất lớn, có thể lớn gấp năm gấp bảy lần Hà Nội, dân cư rất trù mật có đủ các thứ người, nhưng phần nhiều là người Tàu ở lâu đã nhập tịch nước Xiêm. Hạng người ấy rất hoạt động về đường kinh tế và chính trị. Trừ khu nhà vua, các cung điện làm theo lối cổ, nhà một tầng, mái dốc, nóc nhọn, có các kiểu trang sức đặc biệt của Xiêm. Còn phố xá ở ngoài thành nhà vua trông giống như thành Quảng Châu hay thành Thượng Hải bên Tàu.”
Những số liệu cũng như trích dẫn ở trên chứng tỏ rằng Sài Gòn chưa bao giờ là số một ở Đông Nam Á và danh xưng “hòn ngọc Viễn Đông” vô thực chất của nó hiện nay chủ yếu chỉ để quảng cáo du lịch.

@ Tổng hợp


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop