Sài Gòn là thành phố có nhiều sông rạch nên bến nhiều vô kể. Nhưng từ bến trong bài hát Sài Gòn đẹp lắm của nhạc sĩ Y Vân gần như được mặc định là bến Bạch Đằng mà người Sài Gòn ai cũng hiểu.
- Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ
- Bà Nhu, Trần Lệ Xuân, qua lời kể và bình luận
- Vua Hàm Nghi được đối đãi như thế nào ở nơi lưu đày Algérie?
“Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/ Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/ Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này/ Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi…”.
Trước năm 1975, bến Bạch Đằng là con đường dọc bờ sông Sài Gòn, đoạn từ Nhà máy Ba Son đến đầu đường Hàm Nghi nối với đường Bến Chương Dương. Sau năm 1975, đường Bến Bạch Đằng đổi thành đường Tôn Đức Thắng (nối thêm một đoạn từ Nhà máy Ba Son đến đường Lê Duẩn mà trước năm 1975 là một đoạn của đường Cường Để)…
Sài Gòn xưa có nhiều con đường mang tên bắt đầu từ “bến” – những bến sông nổi tiếng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chẳng hạn, bến Bạch Đằng gắn liền với lịch sử ba lần đánh thắng quân xâm lược; bến Chương Dương và Hàm Tử là hai bến sông gắn với các chiến thắng quân Nguyên Mông vào thế kỷ 13…
Con đường Bến Chương Dương trước kia nối với đường Bến Bạch Đằng chạy dọc theo rạch Bến Nghé đến hết địa phận quận 1 giáp với quận 5 – nay là cầu Nguyễn Văn Cừ. Từ đây, đường này nối tiếp với đường Bến Hàm Tử chạy dọc theo kênh Tàu Hũ vào tới cầu Chà Và, Chợ Lớn.
Lại nhớ danh tướng Trần Quang Khải sau những chiến công hiển hách, khi về trí sĩ đã làm bài thơ có hai câu: “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù…”. Năm 2010, khi đại lộ Đông Tây hoàn thành, đường Bến Chương Dương và Bến Hàm Tử trở thành một phần con đường mới mang tên Võ Văn Kiệt.
Bên kia rạch Bến Nghé, phía quận 4, vẫn còn con đường mang tên Bến Vân Đồn – cũng là một địa danh lừng lẫy trong công cuộc chống quân xâm lược Nguyên Mông gắn liền với danh tướng Trần Khánh Dư. Trước kia, Bến Vân Đồn là con đường nhỏ hẹp chạy dọc bờ rạch nhếch nhác đầy rác rến trôi lềnh bềnh dưới những căn nhà sàn tạm bợ, nằm cạnh đám ghe thuyền bán đủ thứ hàng hóa từ các tỉnh về…
Nhưng hiện nay, đường Bến Vân Đồn đã mở rộng thoáng đãng, hoành tráng, những nhà sàn trên rạch đã được giải tỏa, thay vào đó là một công viên cặp bờ sông chạy dài tới cầu Nguyễn Văn Cừ bắc từ quận 5 qua như một ngã ba nối với quận 8 và quận 4. Nhà đất trên đường Bến Vân Đồn bây giờ là đất vàng, bởi quận 4 bây giờ được coi như “quận Một phẩy”!
Bến Bạch Đằng những năm cuối 1950, đầu 1960 là nơi hẹn hò lý tưởng của những đôi tình nhân. Hoàng hôn buông xuống, các cặp tình nhân bình dân hẹn nhau ra các quán dọc bờ sông ngồi ăn bò bía, uống nước mía, nước ngọt hay ăn kem, vừa tâm sự vừa ngắm nhìn dòng sông Sài Gòn chảy hiền hòa.
Trong công viên dọc bờ sông có nhiều người tập thể dục hay tản bộ, hoặc có người sau khi tan sở đạp xe ra bến đứng hóng gió sông trước khi về nhà. “… Người ra thăm bến, câu chào nói lao xao…”. Lâu lâu lại có một con tàu lớn chạy qua hay mấy chiếc sà lan xình xịch chở bà con tiểu thương, công nhân tan ca chạy từ Bến Bạch Đằng qua Thủ Thiêm.
Trước năm 1975, về cuối đường Bến Bạch Đằng gần đầu đường Hàm Nghi có hai nhà hàng nổi trên sông là Ngân Đình và Mỹ Cảnh thuộc loại sang trọng nhất nhì TP. Đến cuối những năm 1980, đầu 1990, trên Bến Bạch Đằng, đối diện tượng Trần Hưng Đạo xuất hiện “khách sạn nổi năm sao” của một tập đoàn nước ngoài – một biểu tượng của thời kỳ đổi mới và hòa nhập bấy giờ. Nhưng chỉ mấy năm sau thì tàu khách sạn nổi dời đi, chút kỷ niệm một thời còn lại là tiền sảnh tiếp tân và khoảnh sân hòa nhập vào cái hồn cốt của Công viên Bến Bạch Đằng hôm nay.
Tác giã : Thạm Đình