Đôi lời về sự hình thành của Trung Tâm Giáng Ngọc

05/08/2021
6 phút đọc
2.5K views
Trung Tâm Giáng Ngọc

Thời gian từ 1975 đến những năm giữa của thập niên 1980, ở vùng Little Saigon chỉ có vài trung tâm ca nhạc như Thanh Lan, Làng Văn, Tú Quỳnh, Dạ Lan. Đầu thập niên 80, một trung tâm mới được thành lập dưới cái tên Trung Tâm Giáng Ngọc.

Lê Bá Chư là cháu ruột của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, xuất thân trong một gia đình văn nghệ, mấy anh chị em ai cũng biết đàn biết hát. Anh luôn làm trưởng ban văn nghệ ở các lớp học, từ trung học lên đại học, rồi trong hải quân anh cũng vẫn tiếp tục giữ vai trò điều hành văn nghệ. Thành cũng chẳng lạ khi sau 75, tại hải ngoại, anh là một trong những người đầu tiên tổ chức những chương trình dạ vũ thu hút giới trẻ những năm 1979, 80. Nhờ sự hưởng ứng nồng nhiệt từ những show đầu, Lê Bá Chư nhanh chóng tổ chức thêm nhiều dạ vũ từ vùng Santa Ana lên tới San Jose, thoạt đầu là mướn những thính phòng của các nhà thờ làm dạ vũ, fashion show. Nguyễn Cao Kỳ Duyên vào những năm 79, 80 cũng là một trong những model của các chương trình này.

Vào năm 1979, anh hợp tác với nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan làm tờ báo Đời và tuần báo Dân Chúng trong vai trò Tổng thư ký. Sau đó anh cộng tác với Nguyên Sa ra những cuốn băng nhạc cassette đầu tiên là “Áo Lụa Hà Đông“, “Trăng Sáng Vườn Chè“… rồi cuối cùng là thành lập Trung Tâm Giáng Ngọc vào khoảng 1981, 82.

Đây là thời kỳ huy hoàng của băng nhạc việt Nam, lúc đó còn là băng cassette tape. Thời đó, đa số dân tị nạn ở quận Cam đã có đủ phương tiện sinh nhai ổn định, nhà xe vững vàng. Nhu cầu văn nghệ lên cao hơn bao giờ hết mà ca sĩ thì không có nhiều, băng nhạc mới lại càng không có. Nhiều ca sĩ đã vươn lên, thành danh rực rỡ vào thời kỳ này nhờ bàn tay phù phép của những người như Lê Bá Chư. Nếu bây giờ các trung tâm băng nhạc nghe đến những con số băng bán ra vào thời đó chắc phải khóc thét lên. Những cuốn băng đầu tiên Lê Bá Chư và Trung Tâm Giáng Ngọc làm là Huế 1, 2 và 3, Tiếng Hát Hà Thanh, v.v. khá thành công. Nhưng phải đợi đến khi phong trào nhạc trẻ bốc lên thì mới có những cuốn băng nhạc “hot” đầu tiên của Giáng Ngọc. Băng nhạc New Wave GN 6,7,9 có số bán 40, 50 ngàn cuốn mỗi băng nhờ các cộng đồng tị nạn khác là Lào, Campuchia ủng hộ mạnh mẽ vì khoái nhạc new wave. Sau đó, với sự xuất hiện của Linda Trang Đài, số bán còn khủng khiếp hơn: 100 ngàn cuốn.

Đến lúc ông vua nhạc quê hương Tuấn Vũ xuất hiện. Với công “lăng xê” Tuấn Vũ, Lê Bá Chư được đền bù xứng đáng khi băng nhạc đầu tiên của tiếng hát này do Chư và trung tâm Giáng Ngọc thực hiện bán tới 180 ngàn cuốn.

Lê Bá Chư nói: “Thời đó cứ mỗi tuần là phải gửi đi 250 cuốn băng Tuấn Vũ. Đó là vào năm 1984. Làm trung tâm Giáng Ngọc ròng rã 10 năm, tôi cứ đều đều ra 2 cuốn băng mỗi tháng“.

Ngọc Lan là “con gà đẻ trứng vàng” thứ ba của Giáng Ngọc. Băng đầu tiên “Người Yêu Dấu” của cô có số bán ngang ngửa với Tuấn Vũ. Kế tiếp đó là tiếng hát Đon Hồ cũng thành công không kém.

Vào những năm 88, 89, phong trào CD ra đời đánh dạt băng cassette. Lê Bá Chư cho biết: “Chị có thể tưởng tượng thời đó CD Người Yêu Dấu của Ngọc Lan được bán với giá 25 đồng 1 dĩa mà vẫn bán cả mấy ngàn cuốn. Thời đó cứ trung bình tôi ra 1 CD mỗi tháng“.

Ngoài việc sản xuất băng nhạc với những tiếng hát mới lừng lẫy, Lê Bá Chư còn làm bầu show và MC trong rất nhiều show nhạc tổ chức tại hơn 33 tiểu bang trên nước Mỹ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Hễ nơi nào có người Việt, ở đó có bầu Lê Bá Chư làm show.

Lê Bá Chư cho biết bí quyết của anh là không ngại tốn kém bỏ ra thật nhiều chi phí để quảng cáo, thuở trước hoàn toàn là báo chí, bây giờ có thêm truyền thanh, truyền hình. Anh cho rằng “media” đóng vai không nhỏ trong những thành công của anh. Đa số những “con gà” của anh đã tìm đến anh khi chứng kiến sự thành công của những show nhạc anh làm. Như Tuấn Vũ lúc đó đã ra một cuốn băng nhưng không thành công mấy. Lê Bá Chư đã góp ý và lựa bài hát thích hợp cho anh, kết quả là Tuấn Vũ đã thành công vượt bực, là ông vua không ngai của loại nhạc quê hương vào những năm 80. Ngọc Lan cũng vậy, cô được một người bạn giới thiệu với Lê Bá Chư sau khi đã ra một cassette. Và sau đó là “history”. Ngọc Lan trở thành tiếng hát được yêu chuộng nhất trong những thập niên 80, 90.


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop