Đôi điều về bánh Trung Thu Đông Hưng Viên ở Saigon trước 1975

10/09/2016
4 phút đọc
2.9K views
Bánh trung thu Đông Hưng Viên ở Saigon trước 1975

Đông Hưng Viên là thương hiệu quen thuộc với người Saigon từ rất lâu trước năm 1975 cùng với các thương hiệu nay đã không còn nữa như Tân Tân (có một chi nhánh ở Paris), Long Xương, Đại Chúng, Vĩnh Hưng Tường…

Trước 1945, trục đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) nối liền Saigon-Chợ Lớn, là trung tâm buôn bán sầm uất. Dọc trục đường này mọc lên dãy phố cao lầu, tửu điếm, hiệu buôn nhộn nhịp người mua kẻ bán, ăn uống, đàn ca hát xướng. Vào mùa trung thu, các loại bánh nướng, bánh dẻo được làm thủ công, bày bán nhưng còn rất thưa thớt. Tới những năm 50 của thế kỷ trước, các quầy bánh trung thu mới bắt đầu xuất hiện nhiều nhưng cũng chỉ quanh quẩn khu vực Chợ Lớn. Đến những năm 60, bánh trung thu mới được tiêu thụ rộng rãi hơn ở Saigon – Chợ Lớn, và bắt đầu được người dân các tỉnh miền Nam bộ và Trung bộ ưa chuộng. Lúc này, những cái tên Đồng Khánh, Long Xương, Tân Tân, Đại Chúng, Đông Hưng Viên… đã trở thành những thương hiệu quen thuộc với người dân nơi đây.
Ở Sài Gòn ngày trước có một thương hiệu bánh trung thu mà ai cũng biết và đến ngày nay thương hiệu này vẫn còn. Bánh trung thu Ðông Hưng Viên đã danh tiếng hơn một thế kỷ nay, bắt đầu từ phố hàng Buồm Hà Nội (Escalier D’or Hà Nội cũ), sau đó năm 1954 thương hiệu bánh trung thu Đông Hưng Viên theo dòng người di cư đến Saigon và trở thành 1 thương hiệu bánh trung thu gia truyền nổi tiếng của người Việt tại địa chỉ 23, Phan Chu Trinh, cửa Tây chợ Bến Thành và giữ vững cho đến năm 1975.
Tuy nhiên, sau năm 1975, người chủ tiệm của Đông Hưng Viên đã sang Mỹ. Hai thợ làm bánh chính của tiệm này, một người là ông Bốc Mỹ Nguyên đã ra nước ngoài sinh sống, một người ở Saigon (đã mất). Thợ bánh chính của Đông Hưng Viên ở Saigon (hoạt động từ 1975) hiện nay là anh Nguyễn Văn Hùng, học nghề từ ông Bốc Mỹ Nguyên, cũng như tiệm Đông Hưng Viên ở Saigon không còn liên quan đến người chủ của thương hiệu Đông Hưng Viên bên Mỹ.
Bà Hoàng Kim Loan chủ tiệm bánh Đông Hưng Viên tại Hoa Kỳ, là người kế thừa bí quyết làm bánh trung thu gia truyền từ người cha. Ba của bà là thợ chính của tiệm bánh Đông Hưng Viên tại Hà Nội kể cả khi Đông Hưng Viên “di cư” vào Saigon. Ông đã để lại cuốn sổ ghi công thức bánh trung thu Đông Hưng Viên cho bà, cô con gái thứ 7 của gia đình 10 người con. Bà Kim Loan và em gái đã sang Hoa Kỳ định cư cùng với cuốn sổ ghi bí quyết làm bánh của Đông Hưng Viên và bà mở tiệm tại đây.
Ở Hoa Kỳ có duy nhất 1 tiệm bánh trung thu Đông Hưng Viên tại địa chỉ: 8536 Westminster Blvd. Westminster, CA 92683. Lúc đầu tiệm bánh Đông Hưng Viên ở Hoa Kỳ nằm tại quận Cam, ra đời năm 1992 toạ lạc tại đường Bolsa. Sau đó đến cuối năm 1995 tiệm bánh Đông Hưng Viên được dời về Westminster.
Ngoài ra ở Saigon hiện nay cũng có một cơ sở bánh trung thu Đông Hưng Viên hiện có ở địa điểm số 176-177, Bãi Sậy, Q6. Nhưng cơ sở này không liên quan đến cơ sở của Đông Hưng Viên tại Mỹ có thể cũng là do gia truyền từ một người thợ chính của lò bánh trung thu Đông Hưng Viên từ trước năm 1975 để lại.

Tổng hợp từ Hòn Ngọc Viễn Đông & những nguồn khác


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop