Đặng Thế Phong – sống và chết trước khi thời cơ đến (phần 2)

22/03/2021
17 phút đọc
2.3K views
Đặng Thế Phong - Sống và Chết (phần 2)

Đầu năm 1940 Đặng Thế Phong soạn một mục giảng dạy những điều cơ sở về nhạc lý như cái gam, các nốt, khoa, trường độ, v.v.

Đặng Thế Phong – sống và chết trước khi thời cơ đến (phần 1)

Như vậy Đặng Thế Phong có một trình độ âm nhạc Tây phương rất vững chắc. Các bài hát được chép ra rất đúng, và các nốt giai điệu hợp với luật hòa âm nhạc tây phương. Chắc người nhạc sĩ đã được đào tạo rất tốt ở trường dòng (và rất có thể Đặng Thế Phong từng theo đạo Thiên Chúa – em út của nhạc sĩ, Đặng Thanh Kim, là tín đồ Công giáo). Ngoài tài năng và nền học thức, Đặng Thế Phong cũng giữ một niềm đắm mê âm nhạc. Theo ký ức của Nguyễn Trường Thọ thì “Phong thích ôm cây lục huyền cầm nghêu ngao hát suốt ngày.” Đặng Thế say mê âm nhạc đến hơi thở cuối cùng. Lúc lâm chung, ông xin em út của mình ca và đàn bài “Serenade” của Schubert cho mình nghe.

Tôi chưa thấy tư liệu nào nói ông mắc bệnh lao từ lúc nào, nhưng chính bệnh nhân Đặng Thế Phong là hình ảnh được trao cho chúng ta. Nhạc sĩ / họa sĩ Nguyễn Đình Phúc đến hội Trí Tri nghe ông hát và kể đến “một thanh niên, mặt xanh lướt như được nạn bằng sáp, đang vừa đệm ghita, vừa hát… Cái mặt sáp ong đã xanh lại càng xanh trắng bệch ra. Đặng Thế Phong ôm ngực ho, một cơn ho rũ rượi.” Đến xem Đặng Thế Phong ở rạp Olympia, Nguyễn Ngọc Oánh cũng nhắc đến một “hình ảnh … đã cho tôi một ấn tượng không quên về nghệ sĩ tài ba ấy trong hoàn cảnh nghiệt ngã của lịch sử.Đặng Thế Phong qua đời ngày 2 tháng 8 1942 ở Nam Định, chết non như một Franz Schubert của Việt Nam.

Nghệ sĩ tài hoa mệnh yểu Đặng Thế Phong để lại ba ca khúc vượt thời gian là “Con thuyền không bến“, “Giọt mưa thu” và “Đêm thu“. Với thêm ba ca khúc được nhắc đến ở trên thì tổng kết thì ông từng sáng tối thiểu là 6 ca khúc. Tôi biết đến thêm hai ba ca khúc khác nữa. Phạm Duy bàn đến bài ca “Sáng rừng” (khác với “Sáng trong rừng“) trong những bài ông viết về lịch sử nhạc tiền chiến trong tạp chí Văn Học năm 1985. Tôi cũng có thêm thông tin về các bài ca “Đồ Sơn” (theo một bài viết của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, một người khi còn trẻ cũng gửi bài viết cho tạp chí Học Sinh) và “Sầm Sơn” (theo tư liệu Lê Hoàng Long).

Khi còn sống, “Con thuyền không bến” và “Giọt mưa thu“, hai kiệt tác của Đặng Thế Phong, chưa được phổ biến rộng rãi. Nhưng ít lâu sau hai bài ca này được nổi như cồn và thành quen thuộc đối với giới yêu nhạc cải cách. Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam hiếm có bài ca được thu thanh, biểu diễn và phát thanh nhiều như hai tác phẩm ấy. Mặc dù đã chưa được thu thanh hay in làm bản nhạc, nhiều người từng sống những năm Đại Chiến thứ II (1941-1945) đều nhắc đến hai bài ca này trong hồi ký và khi trả lời phỏng vấn. Chắc chúng được dần dã phổ biến nhờ việc ghi chép vào các quyển sổ và nhờ chuyển miệng.

Nhạc sĩ Vân Đông nhắc trong hồi ký “Một trên gọi, một cuộc đời và tình yêu âm nhạc” rằng ban nhạc của mình ở Quảng Ngãi từng hát bài ca ấy lúc bấy giờ. Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Đình Hòa nhắc các bạn bè trẻ Hà Nội hát “Con thuyền không bến” với nhau. Nhạc sĩ Văn Ký cũng kể rằng nhóm âm nhạc của mình cũng biểu diễn “Giọt mưa thu” ở Thanh Hóa. Giáo sư nha khoa Nguyễn Thành Nguyên kể cho tôi nghe rằng khi sang Nhật du học lúc bấy giờ các nữ du học sinh cũng hát “Giọt mưa thu“. Nghĩa là hai bài hát của Đặng Thế Phong đã đi vào đời sống của thế hệ đó rất nhanh.

Mồng 3 tháng 9 1946, vài tháng trước kháng chiến bùng nổ, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tổ chức một buổi nhạc “để tiếp đón thính giả ngoại quốc“. Buổi biểu diễn này có vai trò ngoại giao – các vị lãnh sự nước Anh, Mỹ, Trung Quốc và một số sĩ quan Pháp đến nghe. Mục đích của buổi này là trình bày tinh hoa của nền nhạc Việt để đất nước và dân tộc của mình được công nhận và tôn trọng. Chương trình của buổi biểu diễn được chia ra thành ba phần. Một phần là nhạc truyền thống Việt Nam (nhạc Huế). Trong phần thứ hai một dàn nhạc biểu diễn nhạc cổ điển tây phương trình bày một thể loại nhạc quen thuộc cho người nước ngoại đến nghe. Người Việt có khả năng chơi nhạc cổ điển cũng chứng minh rằng người Việt được am hiểu một thể loại nhạc quốc tế được coi như là đỉnh cao của âm nhạc nhân loại. Phần thứ ba gồm ba ca khúc của tác giả Việt sáng tác. Dưới sự điều khiển của Đinh Ngọc Liên, ban nhạc Vệ Quốc Đoàn và giọng hát vợ ông là nghệ sĩ Bùi Thị Thái thính giả nước ngoại được nghe bài “Thiên Thai” của Văn Cao và hai bài “Con thuyền không bến” và “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong.

Một điều tất nhiên là trong dịp này họ không thể thể hiện những tác phẩm “diệt thù“, “phan thây uống máu” cho khách nước ngoại. Nhưng dù thế nữa ba ca khúc ấy được coi như sự gặp gỡ hài hòa của hai nền âm nhạc tây phương và Việt Nam. Các ca khúc của Văn Cao và Đặng Thế Phong lấy cảm hứng từ nhạc xứ Việt và được viết và trình bày theo phương pháp tây phương. Bài “Một buổi hòa nhạc tưng bừng” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 5 tháng 9 1946 kết luận rằng các tác phẩm mới này “làm cho mọi người say sưa và đặt nhiều tin tưởng vào tương lai âm nhạc Việt Nam“.

Những năm đầu kháng chiến chống Pháp ca khúc của Đặng Thế Phong còn rất phổ biến rộng rãi và được hát như bình thường. Nhưng ít năm sau, lập trường văn hóa trong vùng khánh chiến thay đổi. Trong hồi ký Chuyện mình chuyện đời, nhạc sĩ / họa sĩ Nguyễn Đình Phúc có kể đến một nữ ca sĩ hát bài “Giọt mưa thu” với tiếng ghi ta “phóng khoáng và bay bướm” của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đệm đàn theo. (Bùi Công Kỳ được đề tên là người viết lời trên bản “Giọt mưa thu” của Hoàng Mai Lưu xuất bản năm 1946). Nhưng trong chương sau của hồi ký ông, khi Nguyễn Đình Phúc lên chức làm “cán bộ lãnh đạo của nhà nước” thì ông lại cấm cô ấy hát “Giọt mưa thu” nữa.

Việc cấm nhạc Đặng Thế Phong ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã kéo dài độ 40 năm đến 1989. Bị cấm không có nghĩa là biến đi. Nhiều người Việt đã giữ các bài ca ấy trong lòng mình – kể cả giữ lại cho tinh thần chiến đấu. Năm 1966 ở Vĩnh Linh, Nguyễn Đình Phúc lúc biểu diễn phục vụ lính chiến kể rằng các “anh giải phóng quân” cứ yêu cầu những bài ca lãng mạn xưa như “Con thuyền không bến“. Chính trị viên quân đội bảo “các nghệ sĩ cứ hát” vì “chất dân gian và âm hưởng nhạc Việt Nam” trong các bài ca sẽ làm các người lính hăng hái chiến đấu. Hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh cũng kể về giá trị của một bài ca như “Giọt mưa thu” đối với một nhà văn của phe cũ như Nguyễn Tuân. Ông kể rằng có một lúc nhà văn này “vừa uống vừa khóc, vừa hát đi hát lại” bài ca “Giọt mưa thu“. Bị phê phán là hát “khóc nhân tình” thì Nguyễn Tuân bác bỏ nói “mình buồn cho những kiếp người chịu oan khuất, buồn cho đời“.

Ở xứ Việt dưới Pháp quyền rồi sau 1954 ở nước Việt Nam Cộng Hòa thì nhạc Đặng Thế Phong lại được tha hồ phổ biến. Ba bài “Con thuyền không bến“, “Đêm thu“, và “Giọt mưa thu” được phát thanh nhiều. “Đêm thu” và “Giọt mưa thu” được nhà xuất bản Tinh Hoa in từ năm 1949. Ca sĩ Minh Trang đã thu “Con thuyền không bến” cho hãng đĩa Polyphon, Châu Kỳ thu “Đêm thu” cho hãng Philips, Văn Lý thu “Giọt mưa thu” cho hãng Oria.

Các bài ca Đặng Thế Phong cũng được phát thanh và thu đĩa băng nhiều ở miền nam thời nước Việt Nam Cộng Hòa. Nhà xuất bản Diên Hồng in lại hai bài “Giọt mưa thu” và “Con thuyền không bến“. Nghe ca sĩ Thanh Thúy hát “Giọt mưa thu” đã thành một nguồn cảm hứng cho Trịnh Công Sơn sáng tác bài ca “Ướt mi“. Trong thời kỳ này bài tiểu sử đầu tiên về nhạc sĩ Đặng Thế Phong xuất hiện. Trên bìa sau của “Giọt mưa thu” (ẩn phẩm Diên Hồng năm 1964), Lê Hoàng Long cho lên một tấm ảnh một số chi tiết về đời nhạc sĩ mà ông trích từ tập 2 của của cuốn Nhạc sỹ Danh tiếng Hiện đại (hình như không xuất bản?).

Sau khi nước Việt được thống nhất thì các bài hát Đặng Thế Phong bị cấm toàn quốc. Ngày 15 tháng 10 năm 1989 Cục Âm nhạc và Múa bắt đầu cấp phép cho các bài ca xưa được phép lưu hành. Ba bài ca của Đặng Thế Phong nằm trong đợt cấp phép lưu hành đầu tiên này. Thực ra quần chúng đã đi phía trước pháp luật. Tết 1988, Nhà hát Tuổi Trẻ ở Hà Nội cho biểu diễn “Giọt mưa thu” trong một chương trình “giới thiệu những nhạc phẩm đặc sắc trước va sau Cách Mạng Tháng Tám“. Ngày 15 tháng 7 1988, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã giúp cho Hội Âm Nhạc Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức một “chương trình thể nghiệm giới thiệu ca khúc trữ tình” với hai ca khúc Đặng Thế Phong tại Câu Lạc Bộ Thể dục Thể thao Bến Nghé. Khán giả rất đón mừng chương trình vì “vé bán sạch từ trước cả tuần“.

Các nhà phê bình âm nhạc của chính phủ Việt Nam tìm mọi cách giải thích ý nghĩa các bài ca xưa có vấn đề như các bài của Đặng Thế Phong. Bởi vì nhạc Đặng Thế Phong xuất hiện trước các biến cố 1945, như vậy nó phản ánh lên một xã hội Việt bị thực dân đô hộ. Theo lời ông Đào Trọng Từ thì “Giọt mưa thu” biểu hiện những người có tính mơ mộng, nhạy cảm sống trong một xã hội bế tắc. Nó gợi ra nỗi đau đớn của một thế hệ phụ nữ khóc trong sự phiền muộn của một nước nô lệ. Còn Nguyễn Viên thì “Con thuyền không bến … lênh đênh chỉ biết trôi theo dòng đời lạc lõng, không có lối thoát, chỉ có thở than…” Trương Quang Lục cũng thừa nhận rằng những ca khúc của “dòng lãng mạn” thời xưa “đã đạt một giá trị nghệ thuật nhất định” nhưng bị hạn chế về mặt “nhân sinh quan do điều kiện lịch sử cụ thể khi chúng ra đời“.

Năm 2000 Viện Âm Nhạc xuất bản một tác phẩm 1000 trang với chủ đề Âm nhạc mới Việt Nam: Tiến trình và thành tựu. Các tác giả của quyển này khen Đặng Thế Phong về sự nhạy cảm “trong việc diễn đạt nỗi buồn tê tái“. Nhưng đây chỉ là “nỗi bơ vơ của một tầng lớp trung gian” là một thành phần xã hội “mất phương hướng trong cái biển cả của những xáo động lịch sử, đặc biệt là sau cơn khủng bố trắng những năm 1931-1935“. Đặng Thế Phong có phụ thuộc về “tầng lớp trung gian” không? Điều đó khó xác nhận thế nào. Nếu sống lâu Đặng Thế Phong theo cách mạng, làm công chức văn hóa cho nhà nước không? Hay di cư vào Nam, xin tỵ nạn ở Mỹ? Ai mà biết được. Nhưng lịch sử Việt Nam đòi hỏi mỗi người phải chọn đúng một phương hướng. Các con đứa tinh thần của ông cũng bị biển cả đấm thùm thụp, nhưng rốt cục được vượt biên, vượt thời gian và sống sốt.

Các bài viết về cuộc đời và tình nhân Đặng Thế Phong bắt đầu xuất hiện các tờ báo Việt vài năm sau khi các bài hát của ông được cấp phép hát lại. Năm 1991 báo Nhân Dân đăng bài “Đặng Thế Phong va người tình chung thủy” tựa vào một cuộc phỏng vấn em gái út của nhạc sĩ.

Đặng Thế Phong được sinh 14 tháng 4 1918. Ông tiêu biểu cho các nghệ sĩ nghèo không được đánh giá cao và hưởng lợi lộc khi không còn sống. Một điều đáng tiếc nữa phải đợi đến thế kỷ 21 để Việt nam mới có luật vững chắc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Theo Công Ước Berne thì bản quyền của một tác phẩm chỉ được đem thi hành đến 50 năm sau khi tác giả mất. Như vậy từ năm 1992 nhạc của Đặng Thế Phong đã vào phạm vi công cộng. Khi còn sống thì hình như Đặng Thế Phong không bị ai bóc lột mà chỉ có việc là ông sống và chết trước khi thời cơ ông đến. Dù sao thì các tác phẩm của ông vẫn rất gần gũi với các người yêu nhạc Việt.

Tác giã : Jason Gibbs (viết cho BBC Tiếng Việt)


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop