Cảm âm ca khúc Hoài Cảm của Cung Tiến

20/06/2020
10 phút đọc
2.6K views
Hoài Cảm - Cung Tiến

Có những ca khúc mùa thu gắn bó những tình cảm nhớ thương của thế nhân vào trong đó, theo một cách độc đáo, để ta chợt nhận ra những ca khúc đó cũng là một ký ức không thể thiếu khi mỗi độ thu về. Hoài Cảm của Cung Tiến là một trong số đó.

Thật đáng ngạc nhiên là vào năm 1952, khi Cung Tiến sáng tác Hoài Cảm, ông mới đang ở độ tuổi 14-15, nhưng bài hát này đã toát lên một vẻ chín chắn và từng trải như của một người đã trưởng thành, với cảm xúc già dặn của ý tứ dường như không phải từ suy tư của một cậu thiếu niên.

Đây là ca khúc theo thể loại lãng mạn tiền chiến, với lời hát mang đậm chất thơ. Được biết bài hát này được sáng tác ngay sau khi nhạc sĩ chuyển từ miền Bắc vào miền Nam sinh sống, mang theo trong tim nỗi nhớ ngập tràn về Hà Nội. Nhạc sĩ từng chia sẻ: “Tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn sớm lắm. Lúc đi, nhớ tất cả những gì mà ở Hà Nội ghi vào ký ức mình, thì là có bản nhạc đó”.

Nỗi buồn đến dịu nhẹ, nỗi nhớ vu vơ từ từ len vào hồn người, cũng nhẹ nhàng như cách mùa thu đến với ta, không có những đột biến rõ ràng, căng thẳng như sự chói chang của tiết đầu Hạ hay xầm xì khi vào Đông.

Chiều buồn len lén tâm tư
Mơ hồ nghe lá thu mưa

Xuyên suốt ca khúc là nỗi nhớ thương mùa thu cũ quá sâu đậm của chàng trai trẻ. Mùa thu không chỉ là cảnh vật mà còn là con người, phải xa quê hương, như một đứa trẻ còn thơ ngây mà đã bị tách ra sống xa cha mẹ.

Cuộc sống đâu chỉ có gia đình; còn có bao bè bạn và những mối quan hệ xã hội khăng khít nữa, vậy mà đột nhiên người trai trẻ phải rời xa tất cả, không nhớ đến quay quắt thì mới là điều lạ :

Lòng cuồng điên vì nhớ
Ôi đâu người, đâu ân tình cũ ?

Mùa thu đó đã xa lắm rồi; xa về khoảng cách địa lý; xa cả trong tâm tưởng, phải chăng vì bị đè nén bởi những ồn ào, náo nhiệt của miền đất phương Nam, chỉ vụt quay về khi màn đêm buông xuống :

Một mùa thu xa vắng
Như mơ hồ về trong đêm tối

Chờ đợi người cũ, chờ đợi cố nhân ở đây chỉ là cách nói. Tấm màn ngăn cách đâu chỉ có khoảng không, mà còn là những sự lãng quên có thể xảy ra khi tâm hồn bị sương mù bao phủ từ tứ phía :

Chờ nhau hoài cố nhân ơi
Sương buồn che kín muôn nơi

Đây là một sự nhớ mong trong vô vọng, người trai mơ hồ nhận ra rằng kiếp này có thể không gặp lại cảnh cũ người xưa nữa, nên đành hẹn kiếp sau :

Hẹn nhau một kiếp xa xôi
Nhớ nhau muôn đời mà thôi

Hoài Cảm - Cung Tiến

Tiếng xưa vang vọng, mùa nối mùa với âm hưởng chỉ còn trong ký ức :

Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa

Lối đi xưa trong ký ức chàng mong mỏi rằng vẫn còn bóng hình người cũ, nhưng hình bóng cố nhân thì đã nhạt nhòa, vì tâm hồn non thơ nhạy cảm không thể nào cùng hiện rõ tất cả những hình bóng thân thương trong quá khứ. Nên chàng trai đã phải tự hỏi mình :

Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?

Cảm xúc của một sự mất mát không gì có thể bù đắp, cảm xúc của một người phải đi xa mà không hẹn ngày trở lại :

Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa

Giai điệu da diết, sâu lắng bao trùm toàn bộ ca khúc, tựa như muốn nói rằng, cảm xúc buồn nhớ này không có một tia hy vọng nào để thay đổi được. Thậm chí nỗi nhớ này lớn lao đến mức, chàng trai không tin rằng thời gian sẽ là một “liều thuốc tiên” có thể xóa nhòa tất cả :

Còn đâu mùa cũ êm vui
Nhớ thương biết bao giờ nguôi ?

Ta chợt khẽ rùng mình khi nhận ra bài ca này đúng như một lời từ biệt, không hẹn ngày tái ngộ, mà là từ biệt những gì chứ? Chính là những gì thân quen nhất mà ta hằng gắn bó. Không thể không đồng cảm với nhân vật của ca khúc!

Nhạc sĩ Cung Tiến từng chia sẻ: “Hoài Cảm là bài hát mà tôi viết ra trong tưởng tượng. Tưởng tượng ra là mình nhớ một người nào mình yêu mến thôi, chứ không có ý nghĩ sâu xa gì đằng sau cả. Ðó chỉ hoàn toàn là trí tưởng tượng trong âm nhạc cũng như trong lời ca. Lời ca bị ảnh hưởng từ những bài thơ mình học ở trường, như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam hồi đó.

Hóa ra, sự già dặn trong nhạc phẩm đầu tay của ông chính là mượn từ các bậc tiền bối sáng danh như thế! Ông chỉ là người đồng cảm và tiếp nối khí chất đó thôi.

Rất nhiều người đã hát bài hát này. Ta gặp lại tài tử Phạm Ngọc Lân để bắt được cái cảm xúc chân thực của Hoài Cảm trong một mùa thu xưa, không có nhiều tô vẽ.

Còn khi nghe phần trình bày của ca sĩ Duy Trác, tiếng hát liêu trai cùng tiếng chuông điểm chầm chậm trong phần hòa âm lại càng gợi ta nhớ về những ngôi nhà thờ xưa cũ nơi Hà Thành, tạo nên một nét khác lạ đáng yêu cho ca khúc này.

Giọng ca Sĩ Phú ghi âm trước năm 1975 khiến ta ngỡ đây chính là tâm tư của anh, người ca sĩ đẹp trai gốc Bắc với bộ râu tài tử, nhưng lại sở hữu một chất giọng mượt mà mềm mại đến độ có thể làm tan chảy lòng người. Tiện đây, cũng xin lan man một chút về người ca sĩ “nghiệp dư” nhưng tài hoa nhất mực này.

Hoài Cảm - Cung Tiến - Sĩ Phú
Ca sĩ Sĩ Phú

Sĩ Phú vốn là một sĩ quan không quân chuyên nghiệp, nhưng có giọng hát thiên phú với chất giọng tình tứ, dù anh chưa qua một trường lớp âm nhạc nào.

Bên cạnh đó, phong cách trình diễn hào hoa bay bướm của anh đã thu hút được cảm tình của khán giả ngay từ đầu.

Tuy là một phi công chiến đấu nhưng theo các thông tin từ những người thân cận của anh, thì tính cách của anh dường như có phần rụt rè và không quyết đoán, điều này vừa hay lại làm cho các bản tình ca của anh thêm phần lôi cuốn.

Bên cạnh đời sống âm nhạc phong phú thì Sĩ Phú cũng là một người rất “đào hoa”, có những mối quan hệ sâu sắc với nhiều phụ nữ. Có lẽ ngoại hình đẹp trai lãng tử cùng với chất nghệ sĩ quá đậm đà nơi anh đã thu hút họ đến với anh; sau đó chất hiền lành và chút mềm yếu nơi anh làm cho họ không nguyện ý rời xa anh được nữa.

Tuy anh dường như đã “bỏ rơi” một số người phụ nữ trong đời, nhưng anh chưa bao giờ bỏ rơi ca hát; trước khi từ giã cõi đời vào tháng 7/2000, anh vẫn cùng bạn bè nghệ sĩ thực hiện CD cuối cùng trong cuộc đời ca hát của anh có tên là “Còn chút gì để nhớ”.

Trong buổi CD này ra mắt công chúng, anh đã hát bài hát đó khi ngồi trên xe lăn, như một lời giã biệt với những người hâm mộ giọng ca của anh.

Cung Tiến – nhạc sĩ sáng tác Hoài Cảm – không về được với Hà Nội mỗi mùa thu, đúng như dự cảm của ông từ buổi chia ly đất Bắc, nhưng Hoài Cảm của ông cũng giống như một con tàu luôn khởi hành đúng hẹn, cứ mỗi độ thu về lại đưa đón những tâm hồn nhạy cảm của những người con Hà Nội xa xứ về với cố hương. Và, biết đâu, đây mới chính là sứ mệnh thực sự của ca khúc bất hủ này!

Tác giã : Hoài Ân


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop