Báo Anh, Mỹ đánh giá ra sao về cố Đại tướng Trần Thiện Khiêm VNCH

14/08/2021
8 phút đọc
3.4K views
Trần Thiện Khiêm

Đại tướng Việt Nam Cộng Hòa Trần Thiện Khiêm mới đây đã qua đời vào ngày 24 tháng 6 năm 2021 tại California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 95 tuổi.

Sinh năm 1925, ông Khiêm từng giữ vai trò quan trọng trong các cuộc đảo chính tại Sài Gòn trong những năm 1963 đến 1964.
Ông là một trong 5 sĩ quan được phong cấp Đại Tướng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Đại tướng Trần Thiện Khiêm giữ chức vụ đứng đầu Bộ Quốc Phòng và Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian lâu nhất – sáu năm.
Ông đã cùng với Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu rời khỏi Việt Nam vào chiều tối ngày 25 tháng 4 năm 1975 để đến Đài Loan và sau đó sang Mỹ.

Trần Thiện Khiêm

Báo Anh The Telegraph ngày 29/6 có bài tưởng nhớ, viết:

Được CIA mô tả là “một người đầy tham vọng và một con sói đơn độc“, vào tháng 11 năm 1960, với tư cách là tướng của Sư đoàn 21 Bộ binh, Khiêm chỉ đạo quân đội cứu Tổng thống Ngô Đình Diệm khỏi một âm mưu đảo chính. Kết quả là ông Diệm đã bổ nhiệm ông làm Tham mưu trưởng Liên quân và ông trở thành nhân vật quyền lực trong chính trường miền Nam Việt Nam.

Vào đầu năm 1963, ông đã ngăn chặn một nỗ lực đảo chính khác, nhưng năm đó việc Diệm thiên vị người Công giáo và đàn áp Phật tử chiếm đa số dân của miền Nam, dẫn đến bạo lực bùng lên làm tổn hại quan hệ với Hoa Kỳ. Vào ngày 1 tháng 11, Khiêm cùng với các tướng lĩnh hàng đầu khác, tiến hành một cuộc đảo chính với sự hỗ trợ của CIA. Ông Diệm và em trai là Nhu ban đầu trốn thoát, nhưng bị bắt lại vào ngày hôm sau và bị ám sát.

Tờ Daily Telegraph nhắc lại vào tháng 1 năm 1964, ông Khiêm, người đã cảm thấy bị đứng ngoài cuộc sau cuộc đảo chính, đã tham gia vào một cuộc đảo chính khác do một tướng bất mãn tương tự là Nguyễn Khánh cầm đầu.

Vào tháng 9 năm 1964, ông dính líu đến một âm mưu đảo chính bất thành và bị đưa đi “lưu vong danh dự” với tư cách là đại sứ tại Hoa Kỳ và sau đó là Đài Loan. Ông Khiêm cũng dính líu, mặc dù từ xa, trong nhiều lần đảo chính khác, và rồi trở về Sài Gòn vào tháng 5 năm 1968 sau khi Nguyễn Văn Thiệu được bầu làm tổng thống. Ông Khiêm làm Bộ trưởng Nội vụ, rồi Phó thủ tướng và cuối cùng là Thủ tướng từ tháng 9 năm 1969.

Còn bài báo ngày 2/7 trên báo Mỹ The New York Times nhận định về giai đoạn này:

Là cánh tay phải của Tổng thống Thiệu, Tướng Khiêm đã thẳng tay đàn áp các đối thủ của chế độ và gạt sang một bên những người ủng hộ đối thủ không đội trời chung của ông Thiệu, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ. Tướng Khiêm là người thực thi chính sách cứng rắn nhất của chính phủ và là con cưng của Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Tờ báo Mỹ viết tiếp:

Năm 1969, ông được Tổng thống Thiệu, một người bạn thân, khen thưởng với hai lần thăng cấp – vào tháng Ba lên Phó Thủ tướng, và vào tháng Tám lên Thủ tướng. Là một vị tướng bốn sao, ông cũng là sĩ quan quân đội cấp cao nhất của đất nước.

Theo bài ngày 2/7 của The New York Times, “Khi nạn tham nhũng phát triển mạnh ở miền Nam Việt Nam, ông Khiêm đã đưa họ hàng vào những công việc béo bở trong cơ quan hành chính dân sự. Như các nhà điều tra và báo chí Mỹ đưa tin, ông đã bổ nhiệm hai anh em vào các chốt hải quan để họ kiếm lợi nhuận từ việc buôn lậu ma túy và các hàng lậu khác tại sân bay Tân Sơn Nhứt của Sài Gòn và các cảng. Một người anh rể trở thành đô trưởng Sài Gòn; một người họ hàng khác trở thành giám đốc cảnh sát quốc gia.

Khi lạm phát tăng cao, ông Khiêm đưa ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng về kinh tế và các nỗ lực bình định lớn hơn. Năm 1971, ông khẳng định rằng 90 phần trăm dân số đang sống trong tình trạng an ninh tương đối. Nhưng trong vòng một năm, đối mặt với sự phản kháng ngày càng tăng của dân chúng, chính phủ đã bãi bỏ hầu hết các cuộc bầu cử và nói rằng các quan chức địa phương, từ lãnh đạo tỉnh đến trưởng ấp, sẽ được chế độ bổ nhiệm.

Trần Thiện Khiêm

Bài của The New York Times kể lại:

Trong bài phát biểu trên đài phát thanh và truyền hình ngày 2 tháng 4 năm 1975, ông Khiêm nói với quốc dân: “Trong hai tuần qua, chúng ta đã bị thương vong nặng nề chỉ vì mất tự chủ và không giữ trật tự. Tôi khẳng định quyết tâm của chính phủ trong việc bảo vệ phần lãnh thổ còn lại của miền Nam Việt Nam và chiếm lại toàn bộ lãnh thổ đã mất vào tay Cộng sản“.

Nhưng hai ngày sau, ông Thiệu thông báo rằng ông Khiêm đã bị sa thải. Bản thân ông Thiệu từ chức vào ngày 21 tháng 4, dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng 9 ngày sau đó.

Sau khi dừng chân ở Đài Loan, ông Khiêm đến Hoa Kỳ, là một trong những người giàu nhất trong số 200.000 người Việt tị nạn. Tờ Chicago Tribune viết vào năm 1979, “Khiêm, người sẽ không bao giờ phải làm việc nữa, sống với vợ trong một ngôi nhà sang trọng ở ngoại ô Virginia, và họ sở hữu một ngôi nhà thứ hai ở miền nam nước Pháp.

The New York Times ghi nhận: “Tướng Khiêm tránh tranh cãi bằng cách giữ thái độ khiêm tốn và hầu như không phỏng vấn.

Còn báo Anh The Times ngày 3/7 viết:

Không giống như nhiều người đồng hương, ông Khiêm dường như đã tích lũy đủ tiền để tận hưởng một cuộc sống mới kín đáo nhưng thoải mái ở Mỹ. Ông mất tại San Jose, California, 46 năm sau.

Báo Anh The Telegraph hôm 29/6 nói:

Không giống như nhiều người tị nạn miền Nam Việt Nam, dường như ông đã trốn thoát với các nguồn lực để sống thoải mái khi sống lưu vong. Năm 1977, ông được một tờ báo Mỹ cho là “một người giàu có, san sẻ thời gian giữa châu Mỹ và châu Âu.

BBC Tiếng Việt


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop