Ai đã tổ chức cuộc thi hoa hậu lần thứ nhất tại Việt Nam ?

06/01/2021
10 phút đọc
2.1K views
Hoa hậu đầu tiên Nam Kỳ - Cô Ba Thiệu
Cô Ba Thiệu

Ai là người đẹp đăng quang hoa hậu đầu tiên trên đất Sài Gòn xưa? Và cuộc thi hoa hậu ấy được mở vào năm nào, ở đâu và do ai đứng ra tổ chức?

Thoạt đầu, chúng tôi nghĩ câu trả lời khá đơn giản, dễ dàng, vì điều đó có ghi sẵn trong các tài liệu quá khứ. Nhưng thật ra khi đụng đến những nội dung bao gồm “những cái nhất” (như người đẹp nhất một thời) hoặc “những cái đầu tiên” (như cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, hoặc của Sài Gòn) thì việc tìm hiểu đòi hỏi phải lắng nghe và động não nhiều hơn dự kiến.

Là vì trước hết có một vài sự khẳng định không giống nhau về năm tháng của sự việc. Có người nói cuộc thi hoa hậu đầu tiên mở tại Sài Gòn vào năm 1937 (nghĩa là cách đây đúng 70 năm), nhưng người khác khẳng định cái mốc “đầu tiên” ấy lùi rất xa vào năm 1864 (cách đây những 143 năm)! Lại cũng có người bảo vào năm 1865! Người thì nhớ mang máng “đâu vào thời… Ngô Đình Diệm!”. Vậy ai đúng?

Để tìm biết cho rõ ràng, chúng tôi đã xin hỏi chuyện một số vị cao niên, với các tác giả, nhà nghiên cứu, hoặc được tiếp xúc với tài liệu biên soạn của các vị ấy về cuộc thi hoa hậu năm 1937 vốn được nhiều người nhắc đến gần đây. Như TS Lê Trung Hoa khi giải đáp chi tiết đã cho rằng cuộc thi đầu tiên để chọn người đẹp nhất đăng quang đã diễn ra tại vườn Ông Thượng tức vườn Tao Đàn hiện thuộc địa bàn quận 1, TP.HCM vào năm nói trên. Đứng ra tổ chức cuộc thi (gọi theo tiếng Pháp là Concours élégant Saigon) là một nhóm công chức với sự kết hợp và hỗ trợ của một số nhà kinh doanh lúc bấy giờ đang hoạt động ở Sài Gòn.

Hoa hậu đầu tiên Nam Kỳ - Cô Ba Thiệu
Cô Ba Thiệu

Tuy mở trên đất “Bến Nghé xưa” song phạm vi “tuyển sinh” lan đến tận những vùng xa hơn, đến các thành phố và nông thôn ngoại vi Sài Gòn, nên đã có 19 cô gái vừa là “dân Bến Nghé” vừa là hoa khôi ở lục tỉnh được chọn để bước vào tầm ngắm của làng đẹp xứ ta. Nói “xứ ta” vì có người bảo rằng đây không những là cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn, của Nam Bộ, mà của cả Việt Nam nữa. Một trong những đặc điểm cuộc thi là thí sinh mặc toàn áo dài Việt Nam do nhà may Phúc Thịnh thiết kế có lẽ theo mẫu mã thời thượng lúc ấy. Vải may áo thì do ông Lê Trương Biểu sản xuất và cung cấp. Có nghĩa là cuộc thi hoa hậu này từ người đẹp đến trang phục đều là nội hóa “rất Việt Nam”. Kết quả, người đẹp được nhận danh hiệu hoa hậu đầu tiên vào năm 1937 là cô gái 25 tuổi tên là Nguyễn Thị Liễu, sinh tại Hóc Môn năm 1912. Tiếc rằng đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm ra tấm ảnh chân dung của hoa hậu Nguyễn Thị Liễu, tuy vậy cũng có một số ảnh tư liệu liên quan đến cách ăn mặc của những người đẹp Nam Bộ ngày xưa để tạm tham khảo (xem ảnh bên trên).

Cũng cùng nội dung trên, trong một tài liệu đặc biệt nhân kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển Sài Gòn – TP.HCM của nhiều tác giả xuất bản vào năm 1998, đã cho biết cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn theo năm tháng và kết quả như Lê Trung Hoa ghi nhận. Nhưng gần đây, khi tra cứu một tài liệu khác do NXB Trẻ mới ấn hành còn nóng hổi vào cuối tháng 3/2007 về Phụ nữ Việt Nam – những sự kiện đầu tiên và nhất, chúng tôi lại được cung cấp những chi tiết khác đi.

Theo đó, người sưu tầm và biên soạn là Trần Nam Tiến cho biết cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn và cũng là ở Việt Nam được tổ chức vào tháng chạp năm 1864. Một số sĩ quan hải quân Pháp nảy ra ý định mở cuộc thi ấy với sự tham gia của những người đẹp nước ngoài đang sinh sống tại Sài Gòn, với điều lệ là các người đẹp phải ở độ tuổi từ 18 đến 20, chưa lấy chồng và là con cái của những gia đình công chức.

Lúc đầu ban tổ chức quy định ngoài áo dài quen thuộc với người Việt, các thí sinh còn phải mặc váy đầm và áo tắm để thể hiện vẻ đẹp của mình qua các trang phục khác nhau. Nhưng về sau do phản ứng bất lợi của công luận nên khoản mặc váy đầm và áo tắm theo kiểu Tây bị hủy bỏ. Bấy giờ: “một thương nhân người Hoa đã chớp lấy cơ hội này để đưa 20 cô gái Trung Quốc đang sống ở Singapore giả làm Hoa kiều để tham gia cuộc thi. Kết quả là trong số đó có một cô đoạt vương miện Hoa hậu. Danh hiệu Á hậu thì thuộc về cô gái con của một phú thương người Hoa sống ở Chợ Lớn”.

Hoa hậu đầu tiên Nam Kỳ - Cô Ba Thiệu trên tem
Cô Ba Thiệu trên tem

Tên tuổi của các người đẹp lên ngôi không thấy nêu. Theo Trần Nam Tiến, đó là cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam do người Pháp tổ chức, còn cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam do người Việt Nam tổ chức thì chậm hơn một năm sau đó, tức vào năm 1865 và mang tên cuộc thi Miss Sài Gòn dành riêng cho các người đẹp Việt Nam. Lần này điều lệ được phổ biến không chỉ ở phạm vi Sài Gòn mà còn lan ra nhiều vùng phụ cận nên sau đó đã có gần 100 cô gái đăng ký dự thi với kết quả người đoạt vương miện Hoa hậu “là cô Ba, con gái của ông Chánh, làm nghề thư ký. Trước vẻ đẹp rực rỡ của cô Ba, nhiều người Pháp đã đề nghị cô chụp ảnh để đăng báo ở chính quốc. Họ rất muốn chụp cô trong trang phục áo tắm nhưng cô không đồng ý. Chân dung cô sau đó được vẽ rồi in thành tem với số lượng phát hành lớn chưa từng có. Một thời gian sau đó, cô Ba lấy chồng Việt Nam bình thường và sống giản dị, bỏ lại đằng sau ánh hào quang phù phiếm và không bị ảnh hưởng bởi lối sống ngoại lai. Đây là người đẹp Việt Nam đăng quang vương miện hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam” (sđd. tr. 25).

Đồng thời ông Tiến cũng cho rằng có một cuộc thi hoa hậu khác mang tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam đã diễn ra vào năm 1957 tại Sài Gòn với sự tham gia của các thí sinh đến từ nhiều nước: Ấn Độ, Hồng Kông, Campuchia, Lào và 48 người đẹp Việt Nam khác. Áo dài truyền thống được chọn làm trang phục để dự thi, không dùng áo tắm và “kết quả chung cuộc: danh hiệu Hoa hậu Việt Nam thuộc về cô Vũ Thị Thu Minh, danh hiệu Hoa hậu quốc tế thuộc về cô Nari – người Campuchia”.

Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào các nguồn thông tin đã nêu, thì các cuộc thi nói trên tuy mở vào những năm khác nhau nhưng có thể tìm thấy ở đây những nét “đầu tiên” của từng cuộc. Điều đáng nói là “mẫu số chung” của các cuộc thi hoa hậu do người Việt tổ chức đã lấy áo dài và các tiêu chí phù hợp với nét đẹp duyên dáng Việt Nam để trao vương miện mà có lẽ câu ca dao sau đây đã nhắc đến phần nào nét đẹp tuyệt vời đó của người con gái Việt: Có ai bán cái dịu dàng. Anh mua một gánh tặng nàng làm duyên…

Tác giã : Hồng Hạc (Thanh Niên online)


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop