8 công trình đầu tiên của Sài Gòn xưa

14/09/2020
11 phút đọc
4K views
8 công trình đầu tiên của Sài Gòn xưa

Khách sạn Continental, nhà hát Thành phố, Bệnh viện Chợ Quán, Bưu điện trung tâm… Chúng ta cùng nhau điểm lại tám công trình đầu tiên được xây tại vùng đất Sài Gòn Gia Định với lịch sử hơn 300 năm.

Nhà hát lớn Sài Gòn

8 công trình đầu tiên của Sài Gòn xưa - Nhà hát lớn Sài Gòn
Nhà hát lớn Sài Gòn

Được khởi công năm 1898 và hoàn thành năm 1900, Nhà hát Thành phố mang kiến trúc Tây Âu. Các phù điêu bên trong được họa sĩ tên tuổi người Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát Pháp cuối thế kỷ XIX.
Nhà hát là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem. Năm 1956, nơi đây được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Đến tháng 5/1975, trở thành nhà hát thành phố đến nay.
Nằm tại lõi Sài Gòn, nhà hát đa năng, là nơi biểu diễn sân khấu nghệ thuật và được sử dụng để tổ chức những sự kiện lớn.

Khách sạn Continental

8 công trình đầu tiên của Sài Gòn xưa - Continental Palace Sài Gòn
Continental Palace Sài Gòn

Continental là khách sạn có lịch sử lâu đời và nổi tiếng nhất thành phố. Tọa lạc trên đường Đồng Khởi – kéo dài từ bờ sông Sài Gòn đến Nhà thờ Đức Bà. Đây cũng là con đường sầm uất bậc nhất thời bấy giờ, có rất đông người Pháp cư ngụ.
Khách sạn này được ông Pierre Cazeau – nhà sản xuất vật liệu xây dựng và đồ gia dụng – khởi công năm 1878 và hoàn thành sau 2 năm. Kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris. Đây là nơi dừng chân của các viên chức, sĩ quan cao cấp của Pháp đến công tác và là chỗ tụ hội của du khách thập phương.
Sau ngày 30/4/1975, nơi đây được đổi tên thành Hải Âu. Đến năm 1989, công trình được tu sửa và lấy lại tên cũ Continental, rộng hơn 3.400 m2, cao 3 tầng. Khách sạn từng đón tiếp các vị tổng thống, thống đốc, nhà văn, người mẫu nổi tiếng thế giới.
Hiện, Continental là một trong những khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần phát triển ngành du lịch TP HCM.

Bệnh viện Chợ Quán

8 công trình đầu tiên của Sài Gòn xưa - Bệnh Viện Chợ Quán
Bệnh Viện Chợ Quán

Năm 1862, Bệnh viện Chợ Quán được một số nhà hảo tâm đóng góp xây dựng và quản lý. Toạ lạc trên khu đất rộng gần 5 ha tại làng Chợ Quán nằm giữa Sài Gòn – Chợ Lớn, phía trước bệnh viện là sông Bến Nghé (nay gọi là kênh Tàu Hủ) chảy qua. Năm 1864, công trình được giao lại cho chính quyền thời bấy giờ quản lý.
Từ 1954 đến 1957, 2/3 cơ sở bệnh viện được sử dụng làm nơi điều trị bệnh lao cho binh lính và đổi tên thành Viện bài lao Ngô Quyền. Cuối năm 1957, bệnh viện được trả về cho dân sự, lấy lại tên ban đầu là Bệnh viện Chợ Quán.
Tháng 3/1974 bệnh viện mang tên mới là Trung tâm Y Khoa Hàn – Việt. Sau ngày 30/4/1975 nó được gọi bằng tên cũ. Đến ngày 5/9/1989, UBND TP HCM đổi thành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trực thuộc Sở Y tế đến nay.

Bưu điện Sài Gòn

8 công trình đầu tiên của Sài Gòn xưa - Bưu điện Sài Gòn
Bưu điện Sài Gòn

Ngay sau khi chiếm được Sài Gòn, Pháp đã thiết lập hệ thống thông tin liên lạc. Năm 1860, “Sở dây thép” Sài Gòn (tức Bưu điện Sài Gòn) được thành lập.
Ngày 13/1/1863, Sở dây thép Sài Gòn chính thức khánh thành và phát hành “con cò” (cách gọi con tem của người bản địa) đầu tiên. Một năm sau, người Sài Gòn bắt đầu gửi thư qua nhà “dây thép” (hệ thống bưu điện).
Năm 1886-1891, Bưu điện Sài Gòn được xây lại hiện đại, thay thế cho trụ sở và khu nhà ở cũ theo đề án của kiến trúc sư người Pháp là Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Từ ngày 1/7/1894 Sài Gòn bắt đầu sử dụng hệ thống điện thoại.
Đây là công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á. Phía trước ngôi nhà trang trí theo từng ô hình chữ nhật, trên đó ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện.

Nhà thờ Chợ Quán

8 công trình đầu tiên của Sài Gòn xưa - Nhà thờ Chợ Quán
Nhà thờ Chợ Quán

Nhà thờ Chợ Quán (20 Trần Bình Trọng, quận 5) xây lần đầu vào năm 1700 – được xem là nhà thờ có lịch sử lâu đời nhất tại Sài Gòn.
Theo học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Họ Đạo Chợ Quán gắn liền với quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của đất nước. Trong số di dân vào Nam đã có những giáo dân theo đạo Thiên Chúa. Họ tập hợp, tổ chức nhà nguyện và sau này là nhà thờ Chợ Quán.
Thánh đường Chợ Quán ban đầu chỉ là ngôi nhà thờ đơn sơ. Sau nhiều lần xây dựng rồi bị tàn phá vì thời cuộc (1720, 1727, 1733, 1775, 1789,1793).
Mãi đến năm 1882 (lần thứ 8), cha Nicolas Hamm về kế nhiệm đã đặt nền móng cho ngôi nhà thờ mới (nhà thờ tồn tại đến ngày nay).
Thánh đường được khánh thành năm 1896 nằm ở vị trí trung tâm, có kiến trúc phương Tây, lợp ngói đỏ, có thể chứa khoảng 1.000 người.

Đình Thông Tây Hội

8 công trình đầu tiên của Sài Gòn xưa - Đình Thông Tây Hội
Đình Thông Tây Hội

Xây dựng khoảng năm 1679, Thông Tây Hội được xem là ngôi đình cổ nhất của đất Gia Định xưa và cả Nam Bộ. Hiện, nó còn khá nguyên vẹn về quy mô và kiến trúc, kết cấu với những chạm khắc đặc trưng Nam bộ.
Đình lúc đầu là của thôn Hạnh Thông – thôn khởi nguyên của Gò Vấp – sau đổi thành Thông Tây Hội (do sự sáp nhập của thôn Hạnh Thông Tây (thôn Mới) và thôn An Hội). Đình Thông Tây Hội hiện nằm trên địa bàn phường 11, quận Gò Vấp.
Đình Thông Tây Hội có vị Thành Hoàng rất độc đáo. Hai vị thần thờ ở đình là hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, do tranh ngôi với thái tử Vũ Đức nên bị đày đi khai hoang ở vùng cực Nam tổ quốc và trở thành “Thủy tổ khai hoang” trong lịch sử Việt Nam; hai vị thần đó là: Đông Chinh Vương và Dục Thánh Vương.

Chùa Huê Nghiêm

8 công trình đầu tiên của Sài Gòn xưa - Chùa Huê Nghiêm Thủ Đức
Chùa Huê Nghiêm Thủ Đức

Chùa Huê Nghiêm tọa lạc ở đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức), được xem là ngôi chùa cổ nhất ở TP HCM.
Ngày nay, chùa thường được gọi là Huê Nghiêm 1 để phân biệt với chùa Huê Nghiêm 2 ở quận 2.
Chùa được Thiền sư Thiệt Thụy – Tánh Tường (1681 -1757) khai sơn vào thế kỷ XVIII. Nhiều tư liệu xác định năm thành lập là 1721.
Đình Thông Tây Hội có vị Thành Hoàng rất độc đáo. Hai vị thần thờ ở đình là hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, do tranh ngôi với thái tử Vũ Đức nên bị đày đi khai hoang ở vùng cực Nam tổ quốc và trở thành “Thủy tổ khai hoang” trong lịch sử Việt Nam; hai vị thần đó là: Đông Chinh Vương và Dục Thánh Vương.

Lúc đầu, chùa được xây ở vùng đất thấp, cách chùa hiện hữu khoảng 100 m. Sau đó, bà Nguyễn Thị Hiên (1763-1821) pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm, đã hiến đất để xây lại.
Ngôi chùa được trùng tu nhiều lần, lớn nhất là vào cuối thế kỷ XIX do Thiền sư Đạt Lý – Huệ Lưu tổ chức.
Kiến trúc của nó được thay đổi ở những lần trùng tu năm 1960, 1969, 1990 và 2003 với mái ngói chồng diêm, các đầu đao cong vút. Bờ nóc mái trang trí những hoa sen cách điệu. Khuôn viên chùa khá rộng, có nhiều tháp cổ. Tam quan chùa và đài Quan Âm ở sân trước chùa được xây vào năm 1990.

Cầu Mống

8 công trình đầu tiên của Sài Gòn xưa - Cầu Mống
Cầu Mống

Là một trong những cây cầu cổ xưa nhất còn sót lại ở Sài Gòn, cầu Mống bắc qua kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4 (đất Khánh Hội xưa).
Cầu mang đậm nét phương Tây, do công ty vận chuyển hàng hải Pháp Messageries Maritimes đầu tư và công ty Levallois Perret (tức Eiffel cũ) thi công vào năm 1893-1894.
Dài 128 m, rộng 5,2 m, cầu có lề bộ hành rộng 0,5 m và được xây bằng thép kiên cố. Thành cầu uốn cong có những khoảng trống, sơn xanh (ban đầu cầu có nước sơn màu đen). Hình dáng vòng cung giống cầu vồng nên người dân gọi tên là cầu Mống.
Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông – Tây và Đường hầm sông Sài Gòn, cầu được tháo dỡ hoàn toàn, sau khi công trình này hoàn tất thì nó được lắp ghép lại theo nguyên bản và gia cố thêm phần trụ móng kèm trang bị chiếu sáng mỹ thuật.
Hiện, cây cầu hơn 100 tuổi đã được khôi phục dành cho người đi bộ – là nơi chụp ảnh cưới, ngắm cảnh về đêm, đứng xem pháo hoa mỗi dịp lễ, tết của người dân Sài Gòn.

Theo Trung Sơn


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop