Vua Hàm Nghi được đối đãi như thế nào ở nơi lưu đày Algérie?

28/12/2021
15 phút đọc
3K views
Vua Hàm Nghi - Exil Algérie

Người tù bị lưu đày biệt xứ, vua Hàm Nghi, đã đến nước Algérie vào đầu năm 1889 và được viên toàn quyền Pháp tại xứ này cho trú ngụ tại một công thự mang tên là “Villa des Pins.” Trong một cuốn sách viết bằng tiếng Pháp nhan đề Le Laos, trong chương “La Cour d’Annam en fuite dans la province,” tác giả có viết về Vua Hàm Nghi và ngôi biệt thự này như sau:

Cựu Hoàng Hàm Nghi, ngày nay được mọi người gọi là “Hoàng Tử Xứ Annam” cư ngụ tại Biệt thự Villa des Pins trong làng El Biar, trên những ngọn đồi rực rỡ Mustapha Thượng ở cách thủ đô Alger chừng vài cây số. Ông sống ở đây trong sự cô tịch, chỉ đón tiếp một vài người bạn thân tình mà có lẽ những cảm tình của họ đã giúp cho ông chịu đựng được những nỗi thống khổ khắt khe của cuộc sống lưu đày nơi xứ người. Có lẽ không ai mô tả được về vị hoàng tử này khéo hơn là nhà vẽ hoạ đồ nổi tiếng De Varigny trong một bài được đăng trên báo Le Temps vào tháng 12 năm 1894:

Tấm danh thiếp mang hàng chữ “Hoàng Tử Annam”, chỉ có vậy thôi, nhưng đối với tôi thì mang thật nhiều ý nghiã vì qua một người bạn, ông ta đã chấp thuận đón tiếp tôi vào ngày hôm sau.

Rời Alger, chiếc xe hơi leo từ từ lên cao nguyên Sahel hướng về vùng đồi núi Mustapha Supérieur. Ngay khi chúng tôi lên đồi, nhìn về phiá trước, cảnh vật càng lúc càng mở rộng và đẹp lộng lẫy, nhìn về sau lưng, thành phố Alger màu trắng nổi bật lên giưã màu xanh của biển Điạ Trung Hải với những cánh buồm màu trắng tưạ như những đôi cánh của đàn chim hải âu đang cất cánh tung trời.

Khi đến làng El Biar, chiếc xe ngừng lại trước cổng sắt của một ngôi nhà mang tấm biển “Villa des Pins”. Một con đường nhỏ hai bên là hai rặng thông già chạy dài đến một ngôi nhà kiến trúc theo kiểu mauresque (kiểu của người Maures ở Bắc Phi), một ngôi nhà đơn giản nhưng rộng rãi đằng sau một cái sân rộng đầy những luống hoa rất đẹp.

Đó là nơi mà Hàm Nghi, Hoàng Tử Xứ Annam đang sinh sống. Ông ta đã ở đó từ năm năm qua và dường như vào trạc 24 tuổi. Tuổi thật của ông ta, ông ta không thèm để ý đến hay là chỉ muốn cố tình giấu đi vì có ích lợi gì mà nhớ đến con số của những năm tháng lưu đày! Khi hỏi về thời thơ ấu, ông ta giữ im lặng, về thời trưởng thành thì thật là bi đát khi ông ta nghĩ đến thời gian khi mới còn là một thiếu niên trẻ tuổi, ông ta được thưà kế ngai vàng rồi chẳng bao lâu sau đó phải bôn đào qua khắp nẻo đường đất nước của ông đang bị xâm chiếm …

Khi đặt chân xuống vùng đất Phi Châu thuộc Pháp này, một quốc gia mà cái tên ông ta cũng chưa hề được biết đến, ông ta đã từ chối không thèm học cái ngôn ngữ của những người đã giam cầm ông, ông đã tự giam mình trong một sự câm lặng kiên cường …

Từ thái độ bất hợp tác ngay từ khi mới bị giặc Pháp bắt tại Quảng Bình vào năm 1888 đến việc không thèm học tiếng Pháp khi mới đến Algérie vào đầu năm 1889, Vua Hàm Nghi đã thay đổi lập trường vào khoảng một năm sau ngày đến Phi châu và bắt đầu học tiếng Pháp cũng như là giao tiếp với một số người địa phương. Cái nguyên nhân khiến cho Vua Hàm Nghi thay đổi thái độ có lẽ là do cái cử chỉ đầy tình người của một nhà qúy tộc Pháp, Nam Tước Alfred de Vialar, đã cởi chiếc áo choàng đang mặc để khoác lên vai nhà vua khi Nam Tước thấy ông đang run lên vì lạnh và cũng chính nhân vật này về sau đã mở đường cho nhà vua theo học về ngành hội hoạ.

Nam Tước Jules “Alfred” de Vialar là hậu duệ của vị nam tước đã đi tiền phong trong việc mở mang và khai thác thuộc địa Algérie cho nước Pháp và gia đình của ông được xem như là gia đình quý tộc, giàu có, danh vọng và có uy tín nhất tại Algérie, ông cũng là cháu ruột của bà Thánh Emilie de Vialar, người khai sáng “Dòng Nữ Tu St. Joseph of the Apparition”.

Vợ của Nam Tước là bà Berthe Alexandrine Patricot, con gái của một vị kỹ sư Cầu Cống (Ponts et Chausées) cũng là một nhân vật nổi tiếng tại xứ Algérie hồi thế kỷ thứ 19. Bà Nam Tước de Vialar lại là người giàu có, yêu văn chương, nghệ thuật và đã tổ chức những buổi sinh hoạt về văn học nghệ thuật, thể thao tại tư gia của ông bà và những buổi sinh hoạt đó được xem như là nơi thu hút hầu hết những danh nhân và thành phần thượng lưu trí thức của thủ đô Alger. Một trong những người nổi tiếng tại “salon” của bà Nam Tước De Vialar là Bà Hoàng Ranavalo, cựu Nữ Hoàng của Đảo quốc Madagascar cũng đang sống lưu vong tại Alger.

Một nhà nghiên cứu về Algérie cho biết rằng:

Bà Nam Tước Alfred de Vialar là một người đàn bà thông minh, cương nghị và là một người bạn của giới văn học nghệ thuật. Bà được xem như là vị chủ tịch của xã hội thượng lưu tại Alger (la haute société algéroise) từ những năm đầu của nền Đệ Tam Cộng Hoà Pháp (từ 1870). Để có thể được mời tham dự vào những buổi họp mặt trong những salons của bà Nam Tước de Vialar, ngoài những người thuộc dòng dõi thế gia vọng tộc thì những người khác ít nhất cũng phải thuộc thành phần trí thức, thậm chí có nhiều người đã phải học cho thuộc cả 12 thành quả của Hercules để được mời …

Không rõ Vua Hàm Nghi bắt đầu được mời đến tham dự vào những buổi sinh hoạt tại nhà bà Nam Tước De Vialar từ bao giờ, tuy nhiên nhà văn Jules Roy cho biết sự hiện diện của nhà vua trong một cuộc họp mặt tại salon của bà Nam Tước như sau:

… Ông Đại Tá chỉ cho tôi bà Hoàng Ranavalo phì nộn với gương mặt tròn như một vầng trăng màu cà phê sưã bao trùm bởi một nỗi buồn xa xứ, người ngồi trong im lặng bên cạnh bà là “Le Prince d’Annam” (Hoàng Tử Annam,) chính bản thân ông ta cũng là một kẻ bị lưu đày, người mảnh khảnh nhỏ bé, trên đầu đội một chiếc khăn (đóng) màu đen dường như đang run rẩy vì lạnh trong chiếc áo dài cũng màu đen và quần xa tanh màu trắng. Mối tình cảm sâu đậm giữa ông Hoàng Tử Xứ Annam với gia đình Nam Tước de Vialar có lẽ bắt nguồn từ một cử chỉ của Nam Tước khi ông đích thân cởi chiếc áo choàng đang mặc trên người để khoác lên đôi vai gầy của ông hoàng bị lưu đày đang run rẩy vì lạnh vào buổi sáng đầu tiên khi ông hoàng này mới đặt chân lên đất Algérie …”

Ông Hoàng Xứ Annam, gầy guộc như một cây sậy, nói về hội họa, nói về hoạ thất (atelier) tại ngôi biệt thự của ông ở làng El Biar …

Một người khách quen thuộc có mặt gần như thường xuyên tại các buổi họp mặt của bà Nam Tước De Vialar là ông Louis Tirman, Toàn Quyền Pháp tại Algérie. Toàn Quyền Tirman là bạn thân của ông bà Nam Tước De Vialar cho nên đã đối xử với Hoàng Tử Xứ Annam, cũng là người được cả ông bà Nam Tước xem như là bạn, như là một vị khách quý tại thuộc điạ Algérie chứ không phải là một người tù bị lưu đày. Đó cũng là một trong những lý do mà Toàn Quyền Tirman đã dành cho Vua Hàm Nghi một biệt thự khang trang rộng rãi tại làng El Biar trong khu đồi núi sang trọng Mustapha Supérieur từ ngày nhà vua mới đặt chân đến Algérie vào năm 1890 cho đến ngày Ngài lập gia đình sau đó hơn 15 năm.

Theo tài liệu của Pháp thì Vua Hoàng Hàm Nghi bị áp giải đưa xuống Thuận An vào ngày 21 Tháng Mười Hai năm 1888 rồi xuống tàu Comète vào Sài Gòn. Ngày 12 Tháng Mười Hai năm đó, nhà vua lại bị đưa lên tàu Biên Hoà và đến Algérie vào ngày Chủ Nhật 13 Tháng Một năm 1889, có lẽ Ngài đã gặp Nam Tước Alfred de Vialar trong ngày này.

Sau khi đến Alger, Ngài được đưa về trọ tại khách sạn L’Hôtel de la Régence trong 10 ngày và Toàn Quyền Tirman đã tìm được toà biệt thự Villa des Pins, ở làng El Biar để cấp cho nhà vua. Sau đó, vào ngày 24 Tháng Một năm 1889, Toàn Quyền Tirman mời Vua Hàm Nghi đến tiếp kiến và dùng cơm gia đình tại Phủ Toàn Quyền. Lúc bấy giờ nhà vua chưa nói tiếng Pháp, chỉ nói chuyện qua người thông dịch là Trần Bình Thanh, tuy nhiên thái độ lịch sự và nhã nhặn của viên toàn quyền, nhân vật cao cấp nhất của chính quyền thực dân Pháp tại Algérie đã gây được cảm tình với nhà vua và có lẽ nhờ thế mà mối hận thù nung nấu trong lòng của Ngài đối với người Pháp tại đây cũng có phần giảm bớt.

Tuy nhiên trong vòng gần một năm trời, Ngài từ chối không thèm học tiếng Pháp vì cho rằng đó là ngôn ngữ của bọn cướp nước, do đó Ngài chỉ nói tiếng Việt với ba người được cử đi theo săn sóc cho Ngài, ăn cơm Việt Nam do người đầu bếp Việt Nam nấu và đặc biệt là trong suốt 55 năm sống lưu đày, Ngài luôn luôn để tóc búi “củ hành”, đội khăn đóng và mặc áo dài đen đúng theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam từ thế kỷ thứ 19.


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop