Tìm hiểu về con đường Lý Chính Thắng, khi xưa là đường Yên Đổ

27/07/2017
8 phút đọc
12.6K views
Đường Lý Chính Thắng

Vị trí : Đường nằm trên dịa bàn các phường 7, 8, 9 quận 3 dài khoảng 1674 mét, qua ngã ba Huỳnh Tịnh Của, ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ngã ba Đoàn Công Bửu, các ngã tư Trần Quốc Thảo, Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Thông.

Lịch sử : Trước kia đường này là đường xe bò cặp theo rạch Nhiêu Lộc. Từ năm 1865 được chỉnh trang và đặt tên là Avalanche. Ngày 24/4/1920, đường được đổi tên là đường Champagne. Ngày 22/ 3/1955 đổi là đường Yên Đổ. Sau ngày 14/8/1975 chính thức đổi thành đường Lý Chính Thắng.

https://www.youtube.com/watch?v=N_tVkz0Q16I


Nếu người Hà nội có niềm tự hào được sở hữu nhiều con phố nghệ độc đáo thì người Sài Gòn cũng kiêu hãnh vì mang trong mình cả một dây phố thơ ở quận 3 với nhiều con đường liền kề nhau được mang tên các thi nhân nổi tiếng của đất nước và trong những con đường ấy; Lý Chính Thắng có lẽ là con phố thơ để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong tâm tưởng người Sài Gòn hơn cả.
Nằm ở khu trung tâm thành phố, Lý Chính Thắng là một trong những con phố có tuổi đời già dặn nhất ở Sài Gòn. Con đường bắt đầu từ ngả ba Hai Bà Trưng (Paul Blancy) và chấm dứt ở Công Trường Dân Chủ hay Ngả Sáu – Sàigòn. Nếu nhìn xéo một chút về phía tay trái, nằm phía bên kia đường là Ty Cảnh Sát Quận 3. Thời Pháp thuộc nó được biết đến với tên gọi ban đầu là Avalanche và đến năm 1920 lại đổi sang tên mới là Champagne, sang đến 1955 con đường được khai sinh lại dưới tên Yên Đỗ (quê hương thi nhân Nguyễn Khuyến). Sau năm 1975 nó được chính thức mang tên Lý Chính Thắng, người đã củng nhân dân thành phố viết nên những trang sử hào hùng của An Phú Đông trong những năm đầu Nam Bộ kháng chiến chống Pháp.
Có lẽ nhờ sự từng trải ấy mà trong tiềm thức của người thành phố, con đường mang nét quyến rũ rất riêng của sự đậm sâu nơi tâm hồn mà ít nơi nào sánh được. Suốt từ thời Pháp thuộc cho đến nay, những ai dù mới lần đầu ghé thăm con phố đều dấy lên trong lòng một cảm giác gần gũi như đã quen thân từ bao giờ. Những người có tâm hồn nghệ sĩ thì đắm say trong cái duyên dáng mảnh mai cùng nét quanh co uốn lượn đầy duyên dáng yêu kiều của con phố. Những khách xưa hoài cổ lại say mê vẻ cổ kính già nua của những ngôi biệt thự Pháp cổ xưa rải dọc con đường và những kẻ thích mộng mơ lại mê đắm những cây cổ thụ rợp bóng mát lúc nào cũng riếu rang tiếng chim ca. Ngay cả những người bình thường nhất cũng có thể bỗng chốc hóa thành một khách thơ, có phải thế chăng mà mỗi kỷ niệm dấu yêu của người Sài Gòn trên con phố này đều là cả một bài thơ đong đầy những xốn xang. Đó có thể là ký ức ngọt ngào của tuổi thơ với niềm háo hức được Cha Mẹ hứa chở đi ăm chè Yên Đỗ vào dịp cuối tuần, đó có thể là niềm vui khôn tả khi bỗng dưng tìm lại được con chó cưng của gia đình trong trại nhốt chó lạc Phu Gia ở nơi cuối phố, đó có thể là những đêm trăng thanh gió mát nằm mắc võng ngắm sao trời và nghe sóng hát dưới mái nhà lá ven dòng sông Thị Nghè trong xanh, kể sao cho hết được những trang thơ hồi ức của người Sài Gòn với con đường Yên Đỗ năm nào. Nhưng nếu phải chọn một ý thơ đẹp nhất trong muôn vàn những bài thơ được dệt bằng hoài niệm, có lẽ Bến tắm ngựa vẫn mãi là một miền ký ức thiêng liêng, mãi đi về trong nỗi nhớ niềm thương của lớp lớp người Sài Gòn. Chẳng trách vì sao mà những nghệ sĩ lãng tử vào hàng bậc nhất Sài Gòn một thuở như Nhạc sĩ Văn Phụng với ca khúc Ô Mê Ly sôi nổi đắm say hay nhà thơ Phạm Thi Thơ hào hoa với những áng thơ tình diễm lệ Của Ngày Xưa Hoàng Thị cũng bị con phố níu chân ở lại với nó đẹp và yên bình đến nao lòng là thế . Nhắc đến Yên Đỗ năm xưa, chúng ta có thể nhớ đến trường trung học tư thục đây là một cái Villa cũ sau này biến thành cư xá cho Mỹ thuê và luôn luôn có quân cảnh (MP) Mỹ cầm súng M-16 đứng gác trước các ống cống lớn bằng xi măng đổ đầy cát ở bên trái đầu đường Hai bà Trưng đi vào qua đuờng Huỳnh Tịnh Của là xóm Hầm Sỏi, trụ sở Hội Cha Mẹ Nuôi Quốc Tế, toạ lạc ngay góc ngả tư đưòng Yên Đổ và Công Lý
Từ đầu đường Yên Đổ phía tay phải là quán cà phê bình dân Hải Nàm giò chả Nhiên Hương. Tiệm này có bà con họ hàng thân thiết với giò chả Phú Hương ở đường Hiền Vương. Hai tiệm giặt ủi Phước và tiệm may Trường ở kế bên phở bắc Việt Hương. Rồi đến tiệm may Xuân Liên chuyên may áo dài đám cưới, với con phố có nhiều villas và yên ả là thế. Nhưng khi tổ quốc nguy biến thì con phố thơ đã hóa thành chiến lũy, trong kháng chiến chống Mỹ, Lý Chính Thắng là một trong những con đường lịch sử đặc biệt nhất của Sài Gòn. Nếu như nói đến ngày 30 tháng 4, người ta nghĩ ngay tới hình ảnh xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Khi nói về tết Mẫu Thân năm 1968, thì người ta sẽ liên tưởng tiếp đến quán Phở Bình trên đường Lý Chính Thắng đã trở thành Sở tổng chỉ huy Biệt Động Thành nơi phát đi lệnh tổng tấn công làm thay đổi cục diện chiến tranh. Ghé vào quán Phở là nơi đã đi vào ký ức dân tộc ta được tận hưởng những phút bâng khuâng trong niềm cảm hoài lịch sử, lạ lùng biết bao cảm giác được thưởng thức cái hương vị đằng sau của tô phở gia truyền đã 75 tuổi và tận hưởng những cảm nghĩ thú vị về cung cách chế biến và nét phục vụ truyền thống của quán phở gia đình xưa trên miền đất Sài Gòn xốn xang.


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop