Những giai thoại quanh ca khúc nhắc tên danh ca Thái Thanh

15/04/2020
4 phút đọc
2.4K views
Những giai thoại có tên Thái Thanh

Một ca sỹ được nhắc tên trong một ca khúc là điều hiếm hoi. Nhưng với giọng ca vượt thời gian của Thái Thanh, dường như điều đó đã thành ngoại lệ khi nhạc sỹ Anh Bằng đã nhắc tới chị trong một ca khúc có tên Giọt buồn không tên sáng tác năm 1971. Khi đó, Thái Thanh còn đang ở đỉnh cao của âm nhạc.

Nhạc sỹ Anh Bằng nổi tiếng với nhiều ca khúc như Nỗi lòng người đi, Bài thơ đan áo, Anh biết em đi chẳng trở về, Ai bảo em là giai nhân, Chuyện tình Lan và Điệp…. Nhưng khi sáng tác ca khúc Giọt buồn không tên, nhạc sỹ Anh Bằng đã ký tên là Tô Giang. Ít ai biết Tô Giang chính là bút danh khi Anh Bằng sáng tác thơ. Vì thế đã có một thời, người ta đi tìm nhạc sỹ Tô Giang mà không hề biết đó chính là Anh Bằng. Mãi sau này, khi nhạc sỹ – ca sỹ Duy Khánh xuất bản tuyển tập mới ghi rõ tác giả của ca khúc Giọt buồn không tên là nhạc Anh Bằng – Lời Tô Giang. Và sau này, nhiều chương trình nhạc khi giới thiệu ca khúc Giọt buồn không tên chỉ ghi là tác giả Anh Bằng.

Những giai thoại có tên Thái Thanh - Nhạc sĩ Anh Bằng
Nhạc sĩ Anh Bằng

Ca khúc Giọt Buồn Không Tên có một từ rất nhiều người hát sai. Đó là từ có liên quan đến Thái Thanh: “Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt Ly…”. Trước đây đã có người khẳng định câu hát đó phải là “Phòng trà Mỹ Trân” và lập luận rằng phòng trà thì tên Mỹ Trân nghe hay, và gắn với kỷ niệm một thời của Sài Gòn. Cũng có người đã đi tìm hiểu tư liệu và sau đó khẳng định Sài Gòn thời đó (những năm 70 thập kỷ trước) không có phòng trà nào tên là Mỹ Trân. Nhạc sĩ Anh Bằng đã không nói tên của phòng trà nên nhiều người có thể nghĩ theo nghĩa rộng là… phòng trà nào cũng được.

Nhưng với “Nghe Thái Thanh ca Biệt ly”, thực tế tại Sài Gòn ngày đó, danh ca Thái Thanh chỉ hát duy nhất tại phòng trà Đêm Màu Hồng, nơi mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Hoài Bắc) mở vào năm 1967. Dàn ca sĩ tại Đêm Màu Hồng gồm có ban hợp ca Thăng Long (Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Hằng, Khánh Ngọc và Thái Thanh) chuyên trình bày những nhạc phẩm của Phạm Duy và Phạm Đình Chương, ban Tam Ca Đông Phương (Tuyết Hằng, Thu Hà, Hồng Vân) chuyên trình bày nhạc dân ca ba miền rất nổi tiếng, ban tứ ca “Bốn anh em nhà Dalton” với Ngọc Thi, Nhật Bằng, Hoài Trung và Hoài Khanh chuyên trình diễn những bản nhạc ngoại quốc vui nhộn, trẻ trung. Vì thế dù Anh Bằng không nói rõ là phòng trà nào nhưng ai biết cũng có thể nói chính xác đó là phòng trà Đêm Màu Hồng.

Những giai thoại có tên Thái Thanh - Ban hợp ca Thăng Long
Ban hợp ca Thăng Long

Ca khúc Biệt ly là ca khúc nổi tiếng của nhạc sỹ Doãn Mẫu được sáng tác năm 1939, khi nhạc sỹ chứng kiến những sự chia ly tại ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Trước Thái Thanh, đã có nhiều ca sỹ thể hiện Biệt Ly như tài tử Ngọc Bảo, Thanh Thúy… nhưng phải tới Thái Thanh, người nghe mới thấu hiểu được nỗi lòng người nhạc sỹ muốn gửi gắm.

Sau này, khi được hỏi về lý do viết câu hát “Nghe Thái Thanh ca Biệt ly” chứ không phải ca khúc khác, nhạc sỹ Anh Bằng đã nói: “Có lẽ vì cùng đồng cảnh nỗi xa quê nên ca sỹ Thái Thanh mới thể hiện Biệt ly hay tới thế”.

Tác giã : Trọng Thịnh


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop