Không khí tết người Bắc ở Sài Gòn trước 1975

26/11/2016
4 phút đọc
8.3K views
Chợ hoa Tết đường Nguyễn Huệ Trước 1975

Không khí Tết ở Sài Gòn hồi đó bắt đầu được cảm thấy từ sau Giáng Sinh. Những sạp bán đồ Giáng Sinh dọc các đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ thật ra vẫn ngồi nguyên chỗ và chỉ thay đổi thiệp mừng Giáng Sinh sang thiệp chúc Tết mà thôi. Không khí hội hè “bắc qua” này kéo dài cho đến gần Tết, khi những khu vực bán hàng Tết thật sự được tổ chức.
Hai khu vực vui nhất là chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ và khu vực chợ Bến Thành. Người Sài Gòn hồi đó chỉ chuộng có vài loại hoa có truyền thống lâu đời cho ngày Tết mà thôi. Và các chủng loại cũng đơn giản, vì các loại hoa hợp với khí hậu miền Nam cũng không nhiều lắm. Đứng đầu luôn là mai vàng. Sau đó là các loại cúc như đại đóa, vạn thọ, rồi thược dược các mầu, mào gà, phong lan, địa lan…
Dĩ nhiên cũng còn vài loại khác nhưng số lượng rất ít. Cây trái thì nổi bật và chính thống nhất vẫn là quất (tắc). Hoa Đà Lạt chuyển về cũng phần nhiều là phong lan, cúc, thược dược, đồng tiền và họa hoằn một ít mâm xôi và phù dung. Hoa cắm cành ngày đầu Xuân thì có lay-ơn, hoa hồng. Cũng từ Đà Lạt về nhưng các chủng loại hoa hồng hồi đó còn hơi nghèo nàn.

Khu vực trước chợ Tết Bến Thành
Khu vực trước chợ Tết Bến Thành – Saigon những năm 1960

Dân chơi Sài Gòn hồi những năm đầu của thập niên 1960 vẫn còn chơi trội bằng cách ra bãi biển Thủy Triều gần Cam Ranh để tìm cành mai rừng, cũng tương tự như lên Sapa tìm cành đào thế ở ngoài Bắc. Dọc bãi biển Thủy Triều trước đây là hàng cây số rừng mai vàng hoang dã rất đẹp. Thường người ta đốn nguyên cây đem về cắm mấy ngày Tết. Những người hiếu cổ thì vào Chợ Lớn tìm mua mấy giò thủy tiên. Hồi đó người ta chơi rễ cây thiết mộc lan chứ không ai chơi rễ thủy tiên. Thủy tiên chỉ chơi hoa, đơn hoặc kép. Những cái thú chơi thủy tiên là gọt, hãm và thúc. Mẹ tôi chăm sóc thủy tiên với sự trìu mến đặc biệt. Trước hết là phải chọn giò có số củ và hình dáng chuẩn. Sau đó gọt củ để lá và chồi hoa sẽ mọc ra theo những dạng, thế mình muốn, thí dụ như long, ly, quy, phụng, v.v. Và phải biết thúc hay hãm để kiểm soát thời điểm hoa nở theo đúng ý mình, tốt nhất là ngay (bỏ chữ sau) giờ Giao thừa.

Bông hồng Tết Saigon

Những ngày giáp Tết người ta dựng rạp bao quanh hai mặt phía công Trường Quách Thị Trang và đường Phan Bội Châu của chợ Bến Thành để bán hàng Tết. Đèn đuốc sáng trưng, trai thanh gái lịch dập dìu. Nhiều nhất là bánh, kẹo, rượu; và nhất là mứt các loại và hạt dưa. Hàng Tết ở đây phần nhiều là hàng sản xuất trong nước, thí dụ như khô nai, khô cá thiều Phú Quốc; rượu dâu, rượu Mận Đà Lạt; trái cây Lái Thiêu; bột gạo lức Bích Chi… Mỗi cửa hàng bắc loa với công suất cực mạnh để lấn át hàng xóm.
Ồn ào nhất bao giờ cũng là quầy bán thuốc đánh răng hiệu anh Bẩy Chà Hynos. Những câu rao hàng thường ngộ nghĩnh, như của quầy bán vải: “Trăm ba pô-pơ-lin, trăm sáu pô-pơ-lin, một trăm ba bán sáu chục”. Hay khi hàng đồ chơi ồn ào: “Xanh xanh đỏ đỏ em nhỏ nó chơi, em nhỏ nó mừng”, thì quầy dưa hấu bên cạnh tiếp luôn: “Xanh xanh, đỏ đỏ em nhỏ nó ăn, em nhỏ nó cười đi”.

@ Theo ongvove


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop