Hoàng thân Bảo Tài, cháu nội vua Thành Thái qua đời trong nghèo khổ

29/12/2020
5 phút đọc
2.5K views
Cháu nội vua Thành Thái - Gia đình Hoàng tử Vĩnh Giu
Gia đình Hoàng tử Vĩnh Giu

Ít ai biết một hoàng thân, cháu nội vua Thành Thái sống trong nghèo khổ từ nhỏ.
Chiều muộn ngày 27-12, Chuyến xe nghĩa tình – Mai táng từ thiện Nhật Tâm (Chuyến xe không đồng) đã đưa thi thể ông Nguyễn Phước Bảo Tài, cháu nội vua Thành Thái về xã Nhơn Nghĩa, Phong Điền, Cần Thơ để gia đình lo hậu sự sau 9 ngày điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM.
Ông Bảo Tài bị áp xe phổi, đái tháo đường, tăng huyết áp nặng.

Sinh năm 1964, là con út của hoàng tử Vĩnh Giu, cháu nội của vua Thành Thái, ít ai biết ông Nguyễn Phước Bảo Tài sống nghèo khổ trong một căn nhà nhỏ ở Phong Điền. Bệnh tật đeo nhiều khiến mọi chi phí sinh hoạt của hai vợ chồng và đứa con gái bị bại não đều phụ thuộc vào nghề xe ôm bữa đực bữa cái của ông và những giờ đi nhặt ve chai của người vợ.
Ông nội của Bảo Tài là vua Thành Thái, vua thứ 10 của triều đại nhà Nguyễn.

Cháu nội vua Thành Thái - Vua Thành Thái
Vua Thành Thái

Ông lên ngôi năm 1889, là một vị vua yêu nước, vì chống Pháp nên bị đày sang đảo Réunion cùng vợ và các con.
Năm 1947, nhà vua được Pháp cho trở về Việt Nam ở tại Vũng Tàu nhưng đã tách các con ông mỗi người đi mỗi ngả. Hoàng tử Vĩnh Giu, 1 trong 9 người con của Vua Thành Thái và hoàng phi Chí Lạc, bị người Pháp đưa về Cần Thơ làm ngành công chánh.
Tại Cần Thơ, năm 1951, hoàng tử Vĩnh Giu kết hôn với bà Lý Ngọc Hóa sinh ra 7 người con. Trong đó Nguyễn Phước Bảo Tài là con trai út.

Hoàng tử Vĩnh Giu rất vất vả trong mưu sinh. Dù mang tiếng là hoàng tử nhưng ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu phải làm nhiều việc để kiếm sống, từ công nhân cầu đường, sửa xe đạp, đóng bàn ghế, làm thêm ở một số phòng trà, quán bar. Năm 2007 Hoàng tử qua đời trong nghèo khó. Lúc này, Bảo Tài đã lấy vợ, sinh được một bé gái và chuyển sang làm nghề xe ôm.

Được biết cả gia đình Hoàng Tử Vĩnh Giu sống ở Cần Thơ hàng chục năm nhưng không ai biết cha con ông là hậu duệ vua Thành Thái. Chỉ đến khi vào khoảng năm 2005, lúc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghé thăm ông Vĩnh Giu, mọi người mới biết.

Hoàng tử Vĩnh Giu có 7 người con, 6 trai, 1 gái. Con trai trưởng là Nguyễn Phước Bảo Bời. Người được học nhiều nhất là con gái thứ hai Công Tôn Nữ Thanh Các. Trước năm 1975, cô đang là sinh viên Văn khoa, nhưng rồi chuyện học dở dang và sau đó đi làm phụ bếp. Người con thứ ba, ông Nguyễn Phước Bảo Thọ, mưu sinh bằng nghề xe ôm. Anh kế của Thọ là Nguyễn Phước Bảo Cao cũng chạy xe ôm. Kế đến ông Nguyễn Phước Bảo Lộc làm bảo vệ; Nguyễn Phước Bảo Hoàng thất nghiệp.

Riêng con trai út là Nguyễn Phước Bảo Tài, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về, lập gia đình, nhưng vì nghèo quá nên vợ bỏ. Sau đó ông lấy vợ lần thứ 2, làm nghề chạy xe ôm và vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Hoàng thân Bảo Tài lấy vợ và sinh được bé gái Nguyễn Phước Thanh Tuyền và bé bị bại não. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Bích Thủy, cũng con nhà nghèo và căn nhà nơi đưa ông về hiện nay ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền cũng là nơi vợ chồng ông mượn đất phía vợ cất nhà ở tạm.

Năm 2005, những người đi cùng đoàn của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Hoàng tử Vĩnh Giu, thấy ông nghèo khổ nên tặng cho một chiếc xe máy. Ông dùng làm phương tiện mưu sinh. Vợ ông lúc đầu phải bán vé số ở chợ. Được bao nhiêu tiền dành cả cho việc thuốc thang chạy chữa cho đứa con tật nguyền.

Từ nay, đứa con gái bại não đã mất cha, một hoàng thân nghèo khổ nhưng 15 năm qua dù bệnh tật vẫn gắng gượng mưu sinh và đồng hành cùng con…

Theo PLO


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop