Đường Catinat, con đường xưa và nổi tiếng nhất Sài Gòn thời Pháp thuộc

16/12/2016
8 phút đọc
5.7K views
Đường Catinat

Trong số hàng trăm con đường của Sài Gòn, đường Catinat (xưa là đường Đồng Khởi) là một trong số rất ít những con đường kỳ cựu nhất. Nó hiện diện từ trước khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn và tầm quan trọng của nó trải dài từ thời Pháp thuộc cho đến bây giờ.

Trong quyển “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” (NXB. Đinh Thái Sơn, Sài Gòn, 1909), nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam thời Pháp thuộc Nguyễn Liên Phong đã mô tả đoạn đầu đường Catinat vào đầu thế kỷ 20 như sau:

Nhứt là đường Ca-ti-na,
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh
..Máy may mấy chỗ quá nhiều,
Các tiệm tủ ghế dập dều phô trương
Đồ sành, đồ cẩn, đồ đương [đan]
Đồ thêu, đồ chạm trữ thường thiếu chi
..Nhà in, nhà thuộc, nhà chà,
Nhà hàng ăn ngủ với nhà lạc son

Theo nhiều tư liệu thì “Rue Catinat” được xem là con đường xưa và nổi tiếng nhất Sài Gòn. Đây cũng là con đường đầu tiên được thiết lập khi Pháp quy hoạch lại thành phố sau khi chiếm được và phá thành Sài Gòn. Còn được gọi là “Rue no. 16” lúc ban đầu cho đến khi là con đường được tráng nhựa đầu tiên, “Rue Catinat” nhanh chóng trở thành trung tâm sinh hoạt thương mại của thành phố.

Đường Catinat

Năm 1861, khi Sài Gòn lọt vào tay quân Pháp thì con đường này đã có một quá trình dài góp mặt vào sinh hoạt của cư dân địa phương. Nó được biết đến nhiều vì ở đầu con đường, nơi giáp với bờ sông (sông Sài Gòn), từng là nơi vua nhà Nguyễn đến nghỉ ngơi và … tắm (Bến Ngự). Tuy nhiên, từ trước năm 1865, nó cùng 25 con đường khác chỉ mang số thứ tự kế tiếp nhau, từ 1 đến 26. Phải chờ đến ngày 1.2.1865, Đề đốc De La Grandière mới đặt tên cho từng con đường một và con đường số 16 lần đầu tiên mang tên Catinat. Nhiều người không rõ xuất xứ của tên này. Theo một số sử liệu, Catinat là tên một thống chế Pháp sinh năm 1637 và mất năm 1712, phục vụ dưới thời vua Louis XIV. Giữa thế kỷ XIX, Pháp lấy tên Catinat đặt cho một chiếc tàu chiến từng tham gia trận đánh Sài Gòn năm 1859 và dựa vào chi tiết này, De La Grandière đặt cho con đường số 16 tên Catinat (trường hợp tương tự cũng xảy ra với rạch Thị Nghè, được Pháp gọi là Arroyo d’Avalanche).
Một trong những tác giả Pháp đầu tiên là Pallu de la Barrière đã miêu tả con đường số 16 này vào năm 1861 như sau: “Du khách đến Sài Gòn nhìn thấy bên hữu ngạn con sông một loại đường phố mà hai bên bị đứt quãng bởi những khoảng trống lớn. Phần lớn nhà cửa làm bằng cây lợp lá cọ ngắn; số khác ít hơn, làm bằng đá. Mái nhà lợp bằng ngói đỏ làm vui mắt và tạo được cảm giác yên bình…”. Tính cách quan trọng của con đường Catinat thể hiện ở chỗ nó được thực dân Pháp sử dụng làm trung tâm của bộ máy thuộc địa. Đầu tiên, vào năm 1863, ở vạt đất nằm giữa hai con đường Mossard (nay là Nguyễn Du) và Gouverneur (sau là De La Grandlière, Gia Long, nay là Lý Tự Trọng), họ dựng lên dinh Thủy sư Đề đốc, cơ quan đầu não của thực dân Pháp tại Viễn Đông, gần chiếc đồng hồ lên cái tháp trước dinh, từ đó, quảng đất trống phía trước (nay là khu đất trước mặt tiền Nhà thờ Đức Bà) được gọi là “Quảng trường Đồng hồ” (Place de l’Horloge). Ngày 15-8-1865, tại quảng trường này đã diễn ra một buổi lễ trong thể có duyệt binh do chính De La Grandière chủ trì nhằm tôn vinh Hoàng đế Pháp Napoléon III và Hoàng hậu.
Năm 1864, Nha Giám đốc Nội vụ (Direction de I’ Intérieur), người dân đương thời gọi là “Dinh Thượng thơ”, được xây dựng, nhìn ra đường Catinat, ở phía đối diện dinh Thủy sư Đề đốc. Viên chức lãnh đạo cơ quan này, xét về mặt cai trị, chỉ xếp sau Thống đốc Nam Kỳ, trực tiếp chỉ huy các tham biện Pháp và quan lại Việt Nam hàng Huyện, Phủ, Đốc phủ sứ. Đầu thập niên 1880, ngay trên lộ trình con đường chạy qua, mọc lên ngôi nhà thờ Notre Dame, về sau được cư dân Sài Gòn gọi là Nhà thờ Đức Bà hay Vương cung Thánh đường. Sau lưng nhà thờ là đường Norodom (nay là Lê Duẩn), lấy tên ông hoàng xứ Cambodge (Campuchia) đến thăm Sài Gòn vào đầu năm 1867, nhân cuộc đấu xảo canh nông đầu tiên tổ chức tại đây.
Năm 1886, Pháp khởi công xây trụ sở chính Sở Bưu chính và Viễn thông (nay là Bưu điện ) trên khu đất đối diện với mặt tiền nhà thờ, nằm giữa con đường Catinat và đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng). Cuối đường Catinat, người ta nhìn thấy một tháp nước cao được xây dựng năm 1878 nhằm cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng. Tuy nhiên, đến năm 1921, với sự phát triển của dân cư, tháp nước này không còn đáp ứng được yêu cầu nên bị đập bỏ. Ngày 1.1.1900, nhà hát Tây (nay là Nhà hát thành phố) được khánh thành trên giao lộ đường Bonard (nay là Lê Lợi) và Catinat, trở thành nơi biểu diễn thường xuyên của những đoàn hát từ phương Tây đến.
Sau khi các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng (đường xá, xe lửa), công sở, cơ quan hành chánh và thương mại được thống đốc dân sự Le Myre de Vilers (1879 – 1883) năng động khởi công và thúc đẩy hoàn thành, Sài Gòn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sau hơn 35 năm bị Pháp chiếm đóng, đã trở thành một thành phố có cảnh quan được quy hoạch hài hòa, kiến trúc khu trung tâm có nhiều nét tương đồng các thành phố ở châu Âu. Thậm chí, các du khách đến từ Âu châu và Viễn Đông (chỉ các nước Đông Á) đã có cảm nhận chung Sài Gòn là “Perle de l’Orient” đối với người Pháp, hay “Paris of the East” đối với các du khách từ các quốc gia hay thuộc địa nói tiếng Anh trong vùng Viễn Đông.

@ Tập hợp


Latest from Blog

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng T

Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

               Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời nhạc phẩm “Tiễn Em“, phổ từ hai bài thơ “Mùa Thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” của nhà thơ Cung Trầm
Ca Từ Trịnh Công Sơn C

Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

               Một chút ngẫm nghĩ về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học
Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ Q

Quán Văn Trong Nỗi Tình Cờ

               Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc ở Sài Gòn trước 1975, đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của
Go toTop